Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Đấng Chịu Xức Dầu

Ê-sai 61:1-11

"Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Theo bạn, người nói trong 3 câu đầu là ai? Đức Chúa Trời "ghét" điều gì? Bằng cách nào bạn có thể hành động như "thầy tế lễ" đối với những người chung quanh bạn?

Những lời mở đầu rất quen thuộc đối với chúng ta bởi đó là lời chính Chúa Giê-xu phán ra (Lu-ca 4:14-21). Chúng theo sau những lời hứa trong chương 60 và nối với các phân đoạn nói về người đầy tớ trong 42:1-4 và 49:1-6. Vì vậy, sứ điệp này ở một mức độ nào đó, có thể là lời tiên tri cho các phu tù của Giu-đa và những tàn tích của thành Giê-ru-sa-lem mà Đức Chúa Trời sẽ giải phóng và tái thiết. Ở mức độ khác, những lời này có thể có nghĩa là chính Ít-ra-ên (được xem là đầy tớ của Gia-vê trong 49:3) được ủy nhiệm để công bố sự mở rộng những ơn phước về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho các nước. Chúa Giê-xu chẳng những tự nhận đã làm ứng nghiệm lời hứa hàm chứa trong phần Kinh văn này, mà cũng hiểu được sự ám chỉ chung cho cả thế giới vốn không làm hài lòng những kẻ nghe Ngài (Lu-ca 4:25-30).

Thần của Gia-vê trong Cựu Ước ban năng quyền mạnh mẽ để thi hành công tác cho Đức Chúa Trời, đặc biệt là để thi hành sự công bình. Thật ra, những công tác mà một đầy tớ được sai đi làm ở đây đều được qui kể cho chính Đức Chúa Trời tại những chỗ khác (Thi-thiên 146:7-9; 147:3). Điều ấy có nghĩa là sứ mạng của người đầy tớ/Ít-ra-ên là một công tác bởi ân sủng của Đức Chúa Trời, chứ không phải chỉ là nỗ lực của con người. "Đặng rao cho kẻ phu tù được tự do" và "đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va" là những lời ám chỉ đến năm Hân Hỉ trong đó những con nợ được tha nợ và được trả trở về với đất đai và gia đình của họ (Lê-vi Ký 25:8-13).

Câu 6 làm sống lại khái niệm về người Ít-ra-ên thi hành chức tế lễ ở giữa các nước, đại diện cho Đức Chúa Trời đối với họ và đem họ đến với Đức Chúa Trời. Bản chất tư tế của con dân Đức Chúa Trời trong thế gian là công tác truyền giáo, như Phao-lô đã nhìn thấy khi ông áp dụng nó cho chức vụ truyền giảng Phúc Âm của chính ông giữa các nước ngoại bang (Rô-ma 15:16). Đó là công tác mà chúng ta thừa hưởng.

Với đặc ân truyền giảng Phúc Âm, tôi sẽ thực hiện thế nào?

Lạy Chúa, xin ban năng lực cho con để phục vụ Chúa.

(c) 2024 svtk.net