Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Đức Chúa Trời Trả Lời

Ê-sai 65:1-16

"Trong dân ta, những kẻ nào đã tìm kiếm ta, sẽ được đồng Sa-rôn dùng làm chỗ chăn chiên, nơi trũng A-cô dùng làm đồng cỏ thả bò" (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Cảm xúc nằm sau các câu 1-7 là gì? Lý do chính về sự trả lời của Đức Chúa Trời là gì? Đức Chúa Trời đã đáp lại sự phàn nàn của bạn như thế nào?

Dân chúng cáo buộc Đức Chúa Trời cứ làm thinh (64:12), nhưng Đức Chúa Trời phán rằng Ngài vẫn kêu gọi họ không ngừng. Với sự khiêm nhường khó tin nổi, Ngài kiên nhẫn phó chính mình cho dân Ngài trong những lời mà Ê-sai đã dùng (6:8) khi đối diện với sự oai nghiêm của Đức Chúa Trời (câu 1). Nhiều tiên tri đã kinh ngạc về sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời trước sự chọc giận của dân Ngài (Giê-rê-mi 25:1-7). Từ trên trời có một tiếng vọng lại với câu hỏi của loài người chúng ta "Bao lâu

?"

Mặc dù họ có những việc làm ô uế kín giấu (câu 3, 4), nhưng những người này lại tự nhận mình là thành phần ưu tú thánh khiết (câu 5a). Những gì Đức Chúa Trời nghĩ về họ thật rõ ràng (câu 5b). Thay vì cứ làm thinh, như họ đã cáo buộc, Ngài lên tiếng bằng một lời tuyên án của một vị quan tòa (câu 6, 7).

Cây nho là một hình ảnh thông thường về Ít-ra-ên (câu 8). Và ý tưởng về một dân sót lại của Ít-ra-ên sẽ sống sót trong cuộc hủy diệt là chủ đề chính yếu trong Ê-sai (Ê-sai 10:20-22; 37:31, 32). Ở đây cả hai được kết hợp lại trong một lời hứa về vật cuối cùng của rượu mùa hè. Một tương lai và một niềm hy vọng sẽ bao trùm dân của Đức Chúa Trời hợp nhất lại (Gia-cốp và Giu-đa), sẽ biến đổi thiên nhiên (Sa-rôn là một đầm lầy, A-cô là một cái khe cằn cỗi), địa dư (Sa-rôn ở về phía tây, A-cô ở về bờ cõi phía đông của Ít-ra-ên) và lịch sử (A-cô là một nơi bị rủa sả).

Một lời về sự đoán phạt (câu 1-7) và một lời về sự cứu rỗi (câu 8-10) được đặt song song với nhau khi Đức Chúa Trời nói với những kẻ nhận cả hai cùng một lúc (câu 11-16). Hình thức khác thường này chuẩn bị cho quan điểm của Tân Ước về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời như là một hành động sàng sảy có phân biệt rõ ràng. Một số trong những ẩn dụ sắc bén nhất của Chúa Giê-xu được dựa trên điều này (lưới, lúa mì và cỏ lùng, chiên và dê). Cũng vậy, sử dụng Cựu Ước một cách sáng tạo, Phao-lô cũng suy nghĩ về sự tương phản giữa sự từ chối của người Do Thái và sự chấp nhận Chúa Giê-xu của người Ngoại Bang (Rô-ma 10:16-21).

Tôi nhìn thấy Chúa thế nào trong việc Ngài trả lời sự nài xin hay phàn nàn của tôi?

Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì Chúa đã đáp lại những nhu cầu và những câu hỏi của con. Hôm nay con xin ngợi khen Chúa.

(c) 2024 svtk.net