Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Cuộc Đời Chúng Ta trong Tay Ngài

Giê-rê-mi 18:1-12

"Đức Giê-hô-va phán: Hỡi nhà Ít-ra-ên, ta đối với ngươi há chẳng làm được như người thợ gốm hay sao? Hỡi nhà Ít-ra-ên, đất sét trong tay thợ gốm thế nào, thì các ngươi cũng ở trong tay ta thể ấy" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Thợ gốm và đất sét tiêu biểu cho ai? Chúa muốn nói gì với Ít-ra-ên khi đưa ra hình ảnh bình đất sét hư được làm lại trong tay thợ gốm? Người Ít-ra-ên phản ứng thế nào với điều Chúa phán dạy? Trong bài học này tôi học được điều gì về Chúa?

Phân đoạn này đôi khi được cho là giống Rô-ma 9:19-21, nhưng đọc kỹ lại thì thấy ý định của hai phân đoạn không giống nhau. Trong Rô-ma, Phao-lô mô tả hành động cố tình của thợ gốm trong một phân đoạn nghiêm khắc và không thỏa hiệp, nhấn mạnh quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Ở đây, Giê-rê-mi thấy có điều sai trật trong việc uốn nắn, làm hỏng ý định ban đầu của thợ gốm, gần như thể là đất sét có cuộc sống riêng của nó. Điều ông muốn nhấn mạnh là, dù có sai trật, thì thợ gốm vẫn có khả năng nắn lại đất sét thành một vật có giá trị; có thể cứu vãn được! Thật đúng với cuộc sống của Ít-ra-ên biết bao. Nỗi đau thất bại cùng thử thách bị bắt lưu đày là kết quả của sự bất tuân ngang bướng (câu 12), nhưng đó chưa phải là hết.

Ngụ ngôn của Giê-rê-mi cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang hành động phía sau cảnh đời kinh nghiệm của con người, chắp nhặt những hậu quả xấu xí từ sự dại dột cùng tội lỗi của nhân loại rồi tái tạo thành những bình đẹp đẽ và hữu dụng (II Ti-mô-thê 2:20, 21). Chúng ta có thể thấy điều mà Giê-rê-mi có thể chưa từng mơ tưởng: đôi tay khéo léo nắn lại đất sét chính là bàn tay đầy sẹo của Đấng "từng bị cám dỗ trên mọi phương diện, giống như chúng ta - song chẳng phạm tội" (Hê-bơ-rơ 4:15).

Quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên chúng ta và sự tự do lựa chọn của chúng ta là vấn đề rất phức tạp. Chúng ta cần thận trọng đừng quá đơn giản hóa vấn đề bằng cách dùng sai những minh họa chỉ làm sáng tỏ một khía cạnh của vấn đề; hình ảnh về cuộc đời chúng ta như đất sét trong tay thợ gốm có thể được trình bày như một cảnh rất tiêu điều, nhưng đối với Giê-rê-mi, bánh xe quay của người thợ gốm là biểu tượng của hy vọng, lời hứa cứu chuộc, chứ không phải tuyệt vọng. Điều này lại càng quan trọng hơn vì cớ Giê-rê-mi có thể thấy trước rằng chính dân tộc ông sẽ không thay đổi đường lối của họ (câu 12).

Có bao giờ tôi cảm thấy như thể đời mình không tái tạo được chăng? Câu chuyện về người thợ gốm khích lệ và cho tôi hy vọng nào?

Lạy Chúa, xin tái tạo con theo kế hoạch cùng mục đích của Ngài hôm nay; xin dùng con cho vinh quang của Ngài.

(c) 2024 svtk.net