Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 13

Đất Nước Tan Nát

Giê-rê-mi 19:1-15

"Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên phán như vầy: Này, ta sẽ giáng tai họa mà ta sẽ báo trước cho thành này và những thành thuộc về nó, vì chúng nó làm cổ mình nên cứng, hầu cho chẳng được nghe lời ta" (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời bảo Giê-rê-mi làm gì? Tại sao Đức Chúa Trời đe dọa Ít-ra-ên? Giê-rê-mi phải giảng điều này cho ai? Việc đập bình đất có nghĩa gì? Có điều gì trong đời sống bạn khiến Chúa trách "ngươi làm cổ mình nên cứng" không? Bạn cần làm gì để thoát khỏi tình trạng đó?

Có một ý khác ở đây liên quan với "ngụ ngôn" về thợ gốm với bánh xe của ông ta (18:5-10). Lúc đầu thì đất sét mềm dễ uốn nắn và có thể làm lại được, nhắc chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ cứu vãn. Nhưng giờ đây, Giê-rê-mi lấy một món đồ đã làm xong; đất sét đã được nung lửa, không thể nắn lại được. Thay vì làm chứng cho khả năng cứu vãn, nó lại minh họa tình trạng chai cứng vô vọng của một dân tộc đã đi quá xa, đến con đường phản nghịch Đức Chúa Trời, không còn có hy vọng; giờ đây Giê-rê-mi chỉ có việc "đập bể bình" (câu 10), rồi dùng những mảnh vỡ nát làm bức tranh sinh động về điều sẽ xảy ra cho Ít-ra-ên khi án phạt của Đức Chúa Trời giáng trên họ.

Thật là nghiêm trọng khi dân Đức Chúa Trời cứ mải miết chống nghịch Ngài, tới khi họ cứng cỏi đến nỗi Ngài chẳng còn thay đổi họ được nữa. Và nếu chúng ta bị cám dỗ cho đây là lối "suy nghĩ theo giao ước cũ" thì phải nhớ rằng Tân Ước cũng nói rõ như thế (Mác 3:29; Hê-bơ-rơ 10:26-31).

Chúng ta hiểu chút ít về chiều sâu trong sự suy đồi thuộc linh của Ít-ra-ên qua lời tố giác của Giê-rê-mi. Câu 4, 5 và 13 tạo nên bức tranh về sự theo đuổi liều lĩnh các thần khác; không chỉ Baalim và Asherah của những ngày đầu, mà là những "hàng nhập mới nhất" từ Ai Cập, A-sy-ri và có thể là từ Ba-by-lôn. Tô-phết là trung tâm thờ phượng đồi trụy của họ; Giê-rê-mi đã can đảm rao ra Lời Chúa ở đó. Rồi ông quay về đền thờ và nói sự thật cũng dạn dĩ như vậy. Bi kịch là, kết quả ông bị lâm nguy lớn trong đền thờ nhiều hơn lúc ở Tô-phết. Điều này có ý nghĩa gì đối với những chứng nhân của Đức Chúa Trời ngày nay?

Liệu tôi có được sự dạn dĩ như của Giê-rê-mi trong khi làm chứng không? Làm sao để tôi được dạn dĩ hơn, kiên trì hơn trong việc làm chứng cho Đấng Christ?

Lạy Chúa, xin giúp con sẵn sàng, dạn dĩ nói về Ngài khi gặp cơ hội.

(c) 2024 svtk.net