Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 22

Người Dọn Đường

Mác 1:1-13

"Này, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi" (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Là người dọn đường cho Chúa, Giăng Báp-tít làm nhiệm vụ mình thế nào? Tại sao Chúa Giê-xu chịu báp-tem? Tại sao Chúa Giê-xu chịu thử nghiệm trong hoang mạc? Bạn thi hành trách nhiệm người dọn đường cho ngày Chúa trở lại như thế nào? Chúa được tôn cao qua đời sống của bạn không? Như thế nào?

Phúc Âm Mác bắt đầu bằng câu chuyện của ông Giăng thường được gọi là Giăng Báp-tít, vì ông là người làm lễ báp-tem. Ông Giăng dùng nghi lễ này để đánh dấu lòng ăn năn thành thật của những người đến với ông để chờ đón Chúa Cứu Thế. Ông Giăng là sứ giả của Chúa Giê-xu, nhiệm vụ của ông là dọn đường cho Chúa bằng cách kêu gọi mọi người từ bỏ tội lỗi. Người nào thực tâm ăn năn, sẽ thể hiện lòng ăn năn đó qua việc để cho ông Giăng làm báp-tem dưới sông Giô-đanh.

Cách phục sức và ăn uống của ông Giăng cho thấy ông là một người rất giản dị, và nhắc người ta nhớ đến nhà tiên tri nổi tiếng trong thời Cựu Ước là Ê-li (I Các Vua 1:8). Chính lối sống của ông Giăng cũng là bài học cho chúng ta về việc nên sống một đời sống đơn giản để tìm kiếm những giá trị cao quý.

Là sứ giả của Chúa, ông Giăng đã khiêm tốn hạ mình để Chúa được nổi bật. Ông nói: "Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta, ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài" (câu 7). Chúa Giê-xu quyền phép hơn ông Giăng, vì ông làm báp-tem bằng nước, còn Chúa làm báp-tem bằng Đức Thánh Linh. "Phép báp-tem bằng nước" là nghi lễ thanh tẩy, chứng tỏ lòng ăn năn thành thật, đó chỉ là lễ nghi bên ngoài. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài "dầm" người tin nhận Chúa trong quyền năng của Chúa Thánh Linh, tái tạo người ấy và ban cho người ấy sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Ông Giăng sống giản dị, khiêm tốn. Ông kêu gọi mọi người đến với Chúa và ý thức rằng chỉ một mình Chúa có thể hoán cải lòng người. Ngày nay, chúng ta cũng được gọi là sứ giả của Chúa, chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Phép báp-tem của ông Giăng là dành cho những người có tội thật lòng ăn năn, tại sao Chúa Giê-xu là người vô tội lại đến để chịu Giăng làm lễ báp-tem? Chúa Giê-xu giải thích hành động của Ngài bằng cách gọi đó là "làm cho trọn mọi việc công bình" (Ma-thi-ơ 3:15). "Việc công bình" là những lễ nghi Chúa dành cho con dân của Ngài. Chúa Giê-xu không cần phải chịu báp-tem, nhưng để chứng tỏ Ngài hòa đồng với dân của Ngài. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Chúa tận hiến với chức vụ mà Đức Chúa Cha đã trao phó.

Thái độ vâng phục của Chúa Giê-xu đã được Đức Chúa Cha xác nhận qua sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong hình chim bồ câu và tiếng phán từ trời rằng: "Ngươi là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường." Phần Thánh Kinh này cũng cho thấy rõ về giáo lý "Ba Ngôi Thiên Chúa": có sự hiện diện của cả Ba Ngôi cùng một lúc, tức là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Lời tuyên bố của Đức Chúa Cha về Chúa Giê-xu là điều đáng cho chúng ta suy gẫm: Chúa Giê-xu được Đức Chúa Cha đẹp lòng mãi mãi, chúng ta hãy tự hỏi: Từ trời nhìn xuống Chúa có vui lòng về đời sống của tôi không?

Ngay sau khi chịu báp-tem và được Chúa Thánh Linh giáng xuống, Chúa Giê-xu đã phải vào đồng vắng để chịu ma quỉ cám dỗ. Đây là thời gian thử nghiệm trong cô đơn, vắng vẻ. Đồng vắng cũng là nơi các nhà tiên tri thời xưa nhận được mạc khải và mạng lệnh của Chúa. Việc Chúa Giê-xu bị cám dỗ trong đồng vắng cho thấy chịu thử nghiệm là điều thường gặp trong đời sống của người phục vụ Chúa.

Chúa Giê-xu đã tận hiến cho chức vụ, làm vui lòng Chúa Cha và sẵn sàng chịu thử nghiệm trong cô đơn để có thể phục vụ hữu hiệu.

Riêng tôi thì sao? Tôi có sẵn sàng noi gương Chúa trong những đoạn đường đó không?

Xin Chúa giúp con hoàn thành chức vụ sứ giả của Chúa để con chuẩn bị lòng người cho ngày Chúa trở lại, tôn cao Chúa và khiêm nhường phục vụ Chúa mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net