Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 18

Tiên Tri Giả

Giê-rê-mi 23:9-40

"Vậy nên Đức Giê-hô-va phán rằng: Này, ta nghịch cùng những kẻ tiên tri ăn cắp lẫn nhau về lời của ta" (câu 30).

Câu hỏi suy ngẫm: Giê-rê-mi nói tiên tri chống đối ai? Họ đã làm điều gì sai quấy? Đức Chúa Trời cảnh cáo các tiên tri bằng cách nào? Điều gì họ phải làm? Bạn có Lời Chúa để sống thật mỗi ngày không?

Thậm chí "cột bằng sắt và tường bằng đồng" (1:18) cũng có thể tan nát lòng khi chứng kiến tình trạng bi thảm của dân tộc. Một trong những đòi hỏi khó nhất nơi đầy tớ của Đức Chúa Trời là phải bênh vực không khoan nhượng cho chân lý Đức Chúa Trời trong một xã hội suy bại mà vẫn không vô cảm, không mất khả năng "khóc với kẻ khóc" (Rô-ma 12:15).

Ba điều đặc biệt gây ưu phiền cho Giê-rê-mi: hành vi vô luân của dân chúngï; nỗi khổ do hạn hán và đói kém (câu 10); và, đau lòng hơn cả, hoạt động của những tiên tri giả khiến dân chúng đi lạc sai. Những điều này khiến ông khó chịu và chúng ta cũng phải như vậy. Các tiên tri thuộc vương quốc miền Bắc (câu 13) trâng tráo nhơn danh các thần thù địch, đặc biệt là Ba-anh, mà nói. Làm như vậy, họ hạ giá Đức Giê-hô-va thành một trong số nhiều thần và làm lu mờ những ưu thế trong chân lý về chính mình Ngài, y hệt như cách những "tiên tri" trong "Thời Đại Mới" đang làm. Giê-rê-mi cũng lên án những tội của tiên tri vương quốc miền Nam (câu 14); họ tự xưng nhân danh Chúa mà nói, nhưng chỉ sống trong lừa dối (I Giăng 2:4). Các tiên tri giả nói những lời êm tai (câu 14b), hứa rằng Giê-ru-sa-lem sẽ được giải phóng khỏi người Ba-by-lôn, và mọi sự đều tốt đẹp (câu16).

Giê-rê-mi, phát ngôn nhân trung thực của Đức Chúa Trời, hứa án phạt và kêu gọi ăn năn. Số phận của tiên tri giả là chắc chắn và kinh khiếp (câu 19, 20); Đức Chúa Trời thấy và biết tất cả (câu 23, 24), và việc làm giả hình đáng khinh của họ không lừa được Ngài. Chúng ta cũng không nhất thiết là sẽ bị lừa (I Giăng 4:1-3).

Chẳng phải mọi tiên tri giả đều cố tình lừa đảo, mong làm tiền, tìm sự tán thưởng, hoặc nắm quyền trên dân chúng (điểm cuối là sự cám dỗ tinh tế nhất bởi lẽ ít lộ nhất). Một số cũng thành thật và có ý tốt, nhưng như câu 26 gợi ý, có thể họ là những "tiên tri tự dối mình," hoặc hành nghề trong một hệ thống thần học sai sót. Khi một người tự nói tiên tri, đươngï nhiên điều đó khiến cho lời nói của họ khó thi hành, nếu không nói là bất khả. Kết quả là họ dễ dàng (và vô tình) hành động vị kỷ.

Ngược lại, Giê-rê-mi kêu gọi dân của Đức Chúa Trời nghe Lời Ngài, vốn giống như lửa, ở chỗ lời đó đốt sạch cặn bã trong lối suy nghĩ tập trung vào con người, và giống như búa, đập tan tấm lòng cứng như đá chống đối lẽ thật của Đức Chúa Trời hằng sống.

Chúng ta có lợi thế hơn Giê-rê-mi và những người cùng thời với ông rất nhiều: đó là sự mạc khải thành văn toàn bộ Thánh Kinh của Đức Chúa Trời. Vì thế chúng ta phải bảo đảm là mình đã thực sự nắm vững lời dạy trong đó. Nếu việc đọc Kinh Thánh của bạn đôi khi không tạo cho bạn cảm giác mình bị khuấy động, khiển trách, và giục giã, tức là bạn đã không nắm được vấn đề.

Nếu biết được chân lý của Đức Chúa Trời, tôi sẽ phải làm gì với hiểu biết đó (câu 28)? Tôi có thể làm điều này với ai ngày hôm nay?

Lạy Chúa, xin dùng con hôm nay để bày tỏ chân lý của Ngài cho người khác.

(c) 2024 svtk.net