Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Lời Tiên Tri

Dân-số Ký 22:41-23:20

"Ai đếm bụi cát của Gia-cốp. Ai tu bộ được phần tư của Ít-ra-ên?" (câu 10b).

Câu hỏi suy ngẫm: Ba-lác bày tỏ sự tôn trọng với Ba-la-am như thế nào? Với mục đích gì? Ba-la-am mô tả người Ít-ra-ên như thế nào trong câu 8-10a? Bạn nghĩ gì về những lời tiên tri nầy? Tại sao Ba-la-am không đáp ứng lời yêu cầu của Ba-lác? Ba-la-am nói tiên tri thế nào về người Ít-ra-ên? Có khi nào bạn muốn ‘điều khiển" Đức Chúa Trời hoặc "thay đổi ý định của Ngài" không?

Ba-lác hết lòng chiêu dụ Ba-la-am và đích thân ra đến tận biên giới để tiếp đón Ba-la-am. Ba-lác quở trách nhẹ nhàng tại sao Ba-la-am đến trễ cùng với lời hứa ban thưởng cho Ba-la-am (câu 36, 37). Sáng hôm sau, cả hai lên núi Ba-móât Ba-anh để công bố sự rủa sả. Nghi thức bắt đầu với việc lập các bàn thờ và dâng của tế lễ. Sau đó, Ba-la-am đi riêng ra một nơi để xem Đức Chúa Trời có phán gì với ông không. Câu 3 cho thấy rằng niềm tin nơi quyền lực mà ông có hoặc ông cầu hỏi bấy lâu nay bị lung lay khi gặp Đức Chúa Trời và thiên sứ Ngài. Giờ đây ông không muốn nghe theo lời Ba-lác hoặc tiếp tục chịu sự thôi thúc của một quyền lực tối tăm nào. Ông chỉ muốn nghe Đức Chúa Trời phán với ông và sẽ nói những Lời Ngài muốn nói dù có phải chết đi chăng nữa (câu 10).

Qua Ba-la-am, Đức Chúa Trời nhấn mạnh rằng Ít-ra-ên là một dân tộc được biệt riêng (câu 9). Lời tiên tri này nhấn mạnh rằng Ít-ra-ên sẽ là một đoàn dân đông (câu 10). Những lời này nhắc lại giao ước của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham và hậu tự ông (Sáng-thế Ký 12:1-3; 13:16). Ngài để riêng người Ít-ra-ên ra với mục đích là qua họ nhiều phước hạnh lớn lao sẽ đến với mọi dân tộc. Tuy nhiên, rất nhiều lần trong lịch sử người Ít-ra-ên không xem việc họ được Ngài biệt riêng ra là một phước hạnh. Họ nhìn chung quanh và muốn trở nên giống như những dân tộc khác. Thậm chí họï còn cho rằng những dân tộc này có nhiều đặc ân hơn họ. Họ "đi giẹo hai bên" như lời tiên tri quở trách họ (I Các Vua 18:21).

Có thể nói kế hoạch mời Ba-la-am rủa sả người Ít-ra-ên khá tốn kém và mất nhiều thời gian, nhưng cho đến thời điểm này Ba-la-am chưa làm gì khác ngoài việc chúc phước cho người Ít-ra-ên. Ba-lác rất cáu kỉnh nhưng chỉ giữ ở trong lòng. Vì thế Ba-lác mời Ba-la-am đến một nơi khác mà ông nghĩ là thuận lợi hơn để quan sát và cũng để Ba-la-am thực hiện đúng những gì mà ông yêu cầu. Kẻ thù của người Ít-ra-ên thật kiên nhẫn, tìm đủ mọi cách để chống lại họ. Ba-lác trở thành nhân vật tượng trưng cho những kẻ ngăn trở mục đích của Đức Chúa Trời và trực tiếp công kích Ngài bằng những lời rủa sả dân Ngài.

Lời tiên tri thứ hai nhấn mạnh Đức Chúa Trời không thể thay đổi lời hứa của Ngài và xác nhận rằng Ngài luôn hiện diện giữa dân của Ngài. Tại đây tình yêu thương và sự chăm sóc của Ngài đối với Ít-ra-ên được mô tả rõ ràng hơn trong lời tiên tri lần thứ nhất của Ba-la-am. Sự vĩ đại của Ngài được bày tỏ qua những gì mà Ngài đã làm cho họ (câu 23; Ê-phê-sô 2:8-10). Cũng vậy tình yêu cao sâu và uy quyền tối thượng của Ngài được bày tỏ qua những gì Ngài đã làm, đang làm và sẽ làm cho những người kính sợ Ngài.

Nhưng lẽ thật quan trọng mà bạn nên hướng tâm vào trong giờ suy gẫm và thờ phượng hôm nay là câu 19. Đức Chúa Trời mà Ba-la-am trước đó và giờ đây là Ba-lác muốn điều khiển hoàn toàn khác với những quyền lực siêu nhiên mà họ từng biết. Qua lời lẽ nói với Ba-lác, dường như Ba-la-am muốn nói rằng Ba-lác chẳng biết tí gì về Đấng mà ông đang giao tiếp. Ngài là Đấng có uy quyền thực hiện mọi lời hứa của Ngài. Không ai có thể bẻ cong hay làm thay đổi ý định của Ngài. Ngài phán rằng "Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi; bởi cớ đó, các ngươi là con trai Gia-cốp, chẳng bị diệt vong" (Ma-la-chi 3:6). "Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào" (Gia-cơ 1:17b).

Bạn có học tập để chấp nhận ý muốn của Chúa trong mọi hoàn cảnh không?

Lạy Chúa, dù ở trong hoàn cảnh nào, xin nhắc con luôn nhớ rằng Ngài là Đấng "hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hê-bơ-rơ 13:8).

(c) 2024 svtk.net