Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Lời Chứng Cá Nhân

Công-vụ các Sứ-đồ 21:37-22:29

"Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào" (I Cô-rinh-tô 9:22b).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong lời chứng của Phao-lô cho người Do Thái ông đã nhấn mạnh điều gì? Tại sao ông nhấn mạnh những điều đó? Phao-lô đã khẳng định quyền công dân La Mã của ông trong những trường hợp nào? Tại sao? Bạn có lợi dụng mọi cơ hội để làm chứng về ân sủng của Chúa không?

Nếu bạn đã may mắn thoát chết từ tay của một đám đông dã man và đang được bọn lính khiêng đi để bảo vệ bạn, trong giờ phút đó, bạn có suy nghĩ cách nào để giảng Phúc Âm cho kẻ thù mình? Đóù chính là điều Sứ đồ Phao-lô đang suy nghĩ.

Hãy lưu ý hai phương diện trong lời chứng của Phao-lô. Trước hết, ông cẩn thận gọt giũa bài giảng của mình cho thích hợp với thính giả của mình (người Do Thái). Trong hoàn cảnh hiện tại, Phao-lô nhấn mạnh đến những ưu điểm Do Thái của ông (22:3), cuộc đời quá khứ của ông là một người bắt bớ các Cơ Đốc nhân (22:4,5), ưu điểm Do Thái của A-na-nia (22:12), danh xưng Đức Chúa Trời của ông là "Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta" (22:14), và khải tượng của ông trong chính đền thờ mà đám đông đã bắt ông (22: 17,18). Thứ hai, Phao-lô truyền đạt một cách rõ ràng sứ điệp Cơ Đốc đặc biệt được Chúa Giê-xu mạc khải cho ông (22:6-10), sứ điệp về sự tha thứ nhờ kêu cầu Danh Ngài (22:16), mạng lệnh phải chịu báp-tem (22:16), và sứ mạng giảng sứ điệp này cho mọi nước (22:21).

Tình yêu của Phao-lô đối với đồng hương Do Thái của ông rất lớn (so sánh Rô-ma 9:3-5; 10:1) đến nỗi ông liều mạng để họ được cứu. Ngày nay, gương của Phao-lô vẫn còn là tiêu chuẩn cho chúng ta: làm chứng không sợ bị người khác từ chối.

Đánh đòn là một cách tra tấn kinh khiếp thường được chính quyền La Mã sử dụng để lấy lời khai của những người bị tình nghi đang bị điều tra. Tuy nhiên, sau khi Phao-lô bị căng ra để chịu đánh đòn, thì ông gây ngạc nhiên bằng cách hỏi có được phép để đánh đòn một công dân La Mã không (câu 25). Người quản cơ lập tức bị triệu đến, và ông ta hoảng sợ vì đã hành hạ Phao-lô.

Mặc dù Phao-lô nói rõ trong nhiều dịp rằng ông sẵn sàng chịu chết vì Phúc Âm và sự vinh hiển của Chúa Giê-xu cũng như ông thật sự khao khát về thiên đàng (Phi-líp 1:23), nhưng ông cũng khẳng định quyền lợi công dân của ông trong vài dịp tiện. Trong Công-vụ các Sứ-đồ 16:37, Phao-lô phàn nàn về sự hạn chế quyền lợi của ông và đòi cho được một lời xin lỗi và một sự hộ tống trang trọng. Trong Công-vụ các Sứ-đồ 22:25; 23:17; 25:11, Phao-lô nhấn mạnh về quyền lợi của mình, và trước mặt Ly-sia, Phê-lít, Phê-tu, và Ạc-ríp-ba, ông biện luận cho trường hợp của ông một cách hợp pháp.

Bài học mà Lu-ca dạy dỗ có bốn phương diện: (a) niềm tin Cơ Đốc khi được trình bày một cách khách quan trước tòa án La Mã thì luôn luôn sáng tỏ đối với mọi sự tố cáo của người Do Thái; (b) Cơ Đốc nhân được tự do kêu nài đến tòa án dân sự trong nỗ lực tìm kiếm công lý nơi những người không tin; (c) Cơ Đốc nhân nên tìm kiếm công lý thuộc dân sự khi sự thịnh vượng của Hội Thánh hoặc sứ mạng của Hội Thánh bị đe dọa; và (d) nền công lý tột cùng chỉ có ở trong tay Đức Chúa Trời.

Nếu Chúa ban cho tôi một cơ hội để làm chứng về Ngài hôm nay, tôi sẽ nói gì?

Lạy Chúa Giê-xu, xin mở trí, mở lòng con. Xin giúp con nghe lại âm điệu ngọt ngào của tình yêu Chúa. Xin ban ơn cho con để làm một chứng nhân tốt hơn cho Chúa.

(c) 2024 svtk.net