Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Chỉ Tin Cậy Chúa

Công-vụ các Sứ-đồ 22:30-23:35

"Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành Rô-ma thể ấy" (23:11).

Câu hỏi suy ngẫm: Phao-lôâ phải đối diện với ai và chịu những điều gì? Chúa hứa gì với ông? Những lời hứa nào của Đức Chúa Trời mà bạn cần ghi nhớ để khích lệ bạn? Đức Chúa Trời muốn làm gì khi khiến Phao-lô đi từ nơi này đến nơi khác? Mục tiêu của Ngài có được hoàn thành không? Bạn có sẵn sàng trải qua các "nhà tù" của bạn để hoàn thành mục đích của Ngài cho đời sống bạn trong nước Ngài không?

Có những lúc chúng ta cảm thấy mình bị Chúa từ bỏ, có những lúc chúng ta than thở giống như Đa-vít, "Tôi la mệt, cuống họng tôi khô; Mắt tôi hao mòn đương khi trông đợi Đức Chúa Trời tôi" (Thi-thiên 69:3). Chắc chắn, đôi lần Phao-lô cũng cảm thấy như vậy. Đâu là câu trả lời cho chúng ta trong những lần như thế?

Phần Kinh Thánh hôm nay, Phao-lô được lệnh phải đứng trước một nhận vật lỗi lạc nhất trong các nhà lãnh đạo tôn giáo (22:30) và bị vả vào miệng bởi lệnh thầy tế lễ cả A-na-nia (23:2). Ông ta là người cảm thấy khó chịu bởi lời tuyên bố không hề hổ thẹn của Phao-lô về sự trung thành (23:1). Sau khi Phao-lô khôn khéo đặt người Pha-ri-si đối nghịch cùng người Sa-đu-sê (23:6-9) lần thứ ba, ông phải được giải cứu khỏi sự hỗn loạn cực độ và được đưa đến trại của bọn lính (23:10). Đây có thể là giây phút nản lòng nhất đối với Phao-lô.

Tuy nhiên, ngay đêm hôm sau, Chúa đứng bên Phao-lô và phán với ông. Ngài bảo chắc chắn ông sẽ làm chứng tại La Mã (23:11). Đây là giải pháp cho cảm giác bị từ bỏ của chúng ta: những lời hứa của Đức Chúa Trời, nhất là lời hứa Ngài không bao giờ lìa khỏi hay từ bỏ chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5). Lời này từ nơi Chúa sẽ có giá trị khôn lường đối với Phao-lô khi ông chịu sự xét xử của Phê-lít và Phê-tu; trong hai năm ông bị tù tại Sê-sa-rê; và khi ông bị chìm tàu ở Địa Trung Hải. Lời Chúa hứa chúng ta thuộc về thiên đàng là vô giá khi chúng ta mất người thân yêu, bị bạn bè xa lánh, gặp cảnh ốm đau, sa cơ thất thế. "Hãy giục lòng mạnh mẽ" (23:11).

Mọi bài học quan trọng trong đời sống chúng ta đều học được qua đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều lúc khó khăn trong đời sống dường như vô ích, vô mục đích, và thật khốn khổ. Có thể Phao-lô bị cám dỗ nhìn giờ phút này trong cuộc đời của ông trong ánh sáng như thế. Ông đã đi khắp Á Châu và Âu Châu trong suốt mười hai năm để giảng Phúc Âm, mở mang Hội Thánh, và gây dựng hàng lãnh đạo. Ông đã vượt thắng sự đề kháng mạnh mẽ từ các nhà hội và các quan trong thành để theo đuổi công việc của Nước Đức Chúa Trời; giờ đây ông đang bị chuyển từ Giê-ru-sa-lem đến tòa án La Mã tại Sê-sa-rê. Đức Chúa Trời đang hành động rất nhiều trong và qua đời sống ông. Người Do Thái, do tức giận cao độ, đã quyết tâm tiêu diệt Phao-lô (câu 12-15), nhưng quyền cai trị của Đức Chúa Trời đã làm thất bại kế hoạch của họ. Đức Chúa Trời không những giải cứu Phao-lô khỏi âm mưu của họ (câu 16-33), mà còn bảo vệ chuyến đi của Phao-lô đến Sê-sa-rê, Ngài đưa ông một bước gần hơn với mục tiêu cuối cùng – chính tại La Mã trung tâm quyền lực của đế quốc (so sánh 23:11) – Phao-lô sẽ làm chứng về Chúa.

Đức Chúa Trời hành động trong mỗi một đời sống của con cái Ngài để bảo vệ họ và dùng họ cho mục đích của Ngài, cho dù họ chỉ đi "từ nhà tù này sang nhà tù khác."

Tôi được khích lệ nào từ bài học này để áp dụng vào đời sống hằng ngày?

Lạy Chúa, Đấng hứa luôn luôn ở cùng con và đem con về thiên đàng cách an toàn, xin ban cho con sự can đảm để đối diện với mọi hoàn cảnh bằng một lòng tin vững chắc.

(c) 2024 svtk.net