Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Đau Khổ và Kỷ Luật

Gióp 4:1-21

"Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt để khiến chúng ta dự phần trong sự thánh khiết Ngài" (Hê-bơ-rơ 12:10).

Câu hỏi suy ngẫm: Ê-li-pha quan niệm thế nào về đau khổ? Bạn phản ứng thế nào đối với "kỷ luật" của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12:11)? Kỷ luật mang lại sự tăng trưởng nào trong đời sống bạn? Bằng cách nào bạn có thể khích lệ người đang gánh chịu bất công hoặc khổ đau hôm nay?

Cần thận trọng khi áp dụng chân lý của Đức Chúa Trời cho người khác.

Mở đầu Ê-li-pha thận trọng (câu 2) và tìm cách khích lệ (câu 3, 4). Nhưng lời ông nói hàm ý quở trách (câu 5): Gióp phải tích cực, tin tưởng hành vi không lầm lẫn của mình. Lời giải thích đầu tiên của Ê-li-pha theo hiểu biết thông thường (mà Gióp cũng nghĩ như vậy) cho rằng Đức Chúa Trời ban phước những kẻ trung tín (câu 6-11). Điều này đúng, nhưng Ê-li-pha nói rằng theo kinh nghiệm của mình, không có ngoại lệ cho qui luật gieo gì gặt nấy và nguyên tắc chung được tái khẳng định trong Tân Ước. Đối với Gióp và các bạn, việc gặt là ngay trong cuộc đời này. Do đó, Ê-li-pha cho rằng: nếu Gióp thật sự đạo đức, thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Thế nhưng Ê-li-pha cũng nói nhiều về số phận kẻ làm ác (câu 6-9). Trong hoàn cảnh hiện tại, Gióp sẽ nghe gì? Một lần nữa ngụ ý quở trách (câu 12-21). Nhấn mạnh khoảng cách giữa Đức Chúa Trời với nhân loại, giữa Đấng Tạo Dựng với "bụi đất" thì có lợi gì? Điều đó cô lập kẻ chịu khổ. Nó sẽ phiến diện nếu không xét tới sự gần gũi kỳ diệu trong mối quan hệ nhân từ giữa Đức Chúa Trời với loài người, nay được biểu lộ cụ thể qua sự nhập thể, và điều này cần thời gian để truyền đạt.

Ê-li-pha dai dẳng cảnh cáo Gióp về nguy cơ "nổi nóng và hận thù trẻ con" (5:2) cũng như khinh lờn "kỷ luật của Đấng Toàn Năng" (5:17). Gióp không thể mong một trung gian từ trời giúp đỡ (5:1); vì ngay cả thiên sứ cũng sai sót (4:18), trong khi kẻ dại (những người có thái độ giống như Gióp) tự rước rắc rối cho mình (chương 2-7). Những lời cuối của các bạn Gióp cho là con người chỉ là "giòi bọ" (25:6). Đáng buồn thay, nhiều lúc chúng ta đáp ứng tương tự trước sự khổ đau, nhưng phản ứng của Đức Chúa Trời lại khác. Hơn nữa, Ê-li-pha nói, Đức Chúa Trời quan tâm đủ để kỷ luật, sửa sai, khiển trách. Cùng với sự chấp nhận, có lời hứa về phước hạnh (chương 17-26). Về sau, đây sẽ là "gợi ý hay nhất mà Ê-li-hu có thể đưa ra" (36:10). Điều này hàm ý Gióp đang bị khiển trách. Nếu Gióp không chỗ trách được (1:1), mà còn cần phải chịu sửa sai theo cách này, thì cả nhân loại sẽ ra sao? Điều cần lưu ý là kỷ luật không hề được đề cập trong lời nói của Đức Chúa Trời (chương 38-42). Kỷ luật có thể là mục đích để sự chịu khổ tạo nên sự tăng trưởng. Ở đó, cuối cùng con người có thể gặp Đức Chúa Trời.

Hãy nhớ, lời đã nói ra không bao giờ có thể rút lại được. Đức Chúa Trời có được vinh hiển qua lời nói của tôi hôm nay không?

Lạy Chúa, khi con đối diện những hoàn cảnh con không hiểu được, xin cho con trông đợi Ngài, vì biết rằng Ngài sẽ hành động trong mọi sự vì lợi ích của con.

(c) 2024 svtk.net