Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 31

Quay Về với Đức Chúa Trời trong Nỗi Đau

Gióp 6:1-30

"Đức Giê-hô-va ở gần mọi người kêu cầu Ngài, tức ở gần mọi người lấy lòng thành kêu cầu Ngài" (Thi-thiên 145:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Gióp nghĩ gì về lời khuyên ông nhận từ Ê-li-pha? Cuối cùng Gióp quay về với ai? Tại sao? Gióp than thở với Chúa thế nào? Theo bạn, trong khốn khổ, thở than với Chúa có là tội không? Bạn lắng nghe như thế nào đối với những người cần sự giúp đỡ và khích lệ? Bằng cách nào bạn bày tỏ được tình yêu của Đức Chúa Trời cho họ qua lời nói lẫn hành động?

Kết thúc phát biểu của Ê-li-pha thật thẳng thừng. Những lời của ông phản ánh sự khôn ngoan truyền thống: "chúng tôi có xem xét điều đó, nó vốn là vậy" (5:27). Những cách chung chung như thế ít khi giúp ích. Chúng chẳng giúp gì cho Gióp.

Gióp cảm thấy các bạn chưa thật sự nghe mình. Ông dùng hết hình ảnh này tới hình ảnh khác để cho thấy ông không cường điệu thống khổ của mình. Ông khẳng định mình vẫn đạo đức (4:6; 6:10), nhưng sức đâu mà cứ mãi hy vọng như Ê-li-pha mong muốn (4:6; 5:16; 6:11-13)? Lúc khổ sở vì khát khao thì tình bạn không thỏa mãn được (6:14-23): các bạn "xem lời nói của kẻ thất vọng như là gió" (6:26). Một đặc điểm tuyệt vời của Chúa Giê-xu là kẻ đau khổ sầu não, "bị quấy nhiễu và cô thế" (Ma-thi-ơ 9:36), thấy mình được Ngài lắng nghe và quan tâm.

"Sợ hãi," "đau đớn" (6:21b, 25a): những từ này nhắc chúng ta sự đáp ứng thường bị quên lãng trước thảm cảnh của nhân loại - tính nghiêm trọng của sự kiện, tiếng kêu la của nạn nhân, có thể dẫn tới sợ hãi và khó chịu đối với người ngoài cuộc. Giống như các bạn của Gióp, chúng ta dễ đổ lỗi cho nạn nhân và do đó biện hộ cho việc lánh xa của mình. Nhưng Gióp tiêu biểu cho số đông đang kêu la để được lắng nghe.

Sự "than phiền" ít ai hưởng ứng, còn sự "chịu khổ không thở than" thì được nhiều người đón nhận. Thế nhưng khi có bất công hoặc sai lầm trong món đồ mua hoặc việc làm, thì chúng ta cho rằng "than phiền" và sửa lại là cần thiết. Đây là nền tảng của nét đặc trưng phổ biến trong sự thờ phượng thời Cựu Ước. Có điểm giống nhau giữa sự than phiền trước tòa án loài người với những thở than cùng Đức Chúa Trời thời Cựu Ước. Nhiều Thi-thiên là những "thở than" với Đức Chúa Trời khi kinh nghiệm của người thờ phượng ngược với điều mong đợi dựa trên những hành động cùng lời hứa của Đức Chúa Trời trong quá khứ (xem Thi-thiên 10, 22, 74). Kinh Thánh chứa đựng những Thi-thiên thở than! Người đau khổ có thể thưa với Đức Chúa Trời những ý nghĩ sâu thẳm nhất của họ. Điều này chẳng có gì là "tội lỗi" hoặc "thiếu tin cậy." Vì vậy, Gióp bỏ các bạn, quay sang Đức Chúa Trời. Ông không thể hiểu vì sao Đức Chúa Trời đối xử với mình như thế. Thậm chí lời phát biểu về sự chăm sóc kỳ diệu của Đức Chúa Trời đối với mọi người cũng bị hiểu sai (Thi-thiên 8:4), bởi mối quan tâm của Đức Chúa Trời đối với Gióp đang được biểu lộ trong hoạn nạn (câu 17). Việc Đức Chúa Trời "canh giữ" con người thường mang tính bảo vệ (Phục-truyền Luật-lệ Ký Luật Lệ Ký 32:10) nhưng Gióp dùng thuật ngữ này cách mỉa mai (câu 20). Có những lúc chúng ta không hiểu, không chấp nhận được những lời hứa trong Kinh Thánh! Sự việc không như đáng phải có, và vì vậy, Gióp bắt đầu "thở than" với Đức Chúa Trời.

Bạn có bao giờ chất vấn cách Đức Chúa Trời đối xử với mình không? Hãy đọc Hê-bơ-rơ 4:14-16. Hãy nhớ, Ngài quan tâm và thấu hiểu.

Lạy Chúa, cảm tạ Ngài là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của con, Đấng thấu hiểu yếu đuối của con. Con lại gần ngôi Ngài với niềm tin sẽ nhận được sự nhân từ cùng ân sủng của Ngài.

(c) 2024 svtk.net