Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Nói với Đấng Tối Cao

Gióp 12:1-25

(xin xem thêm chương 13, 14)

"Nhưng tôi, tôi muốn thưa với Đấng Toàn Năng, Tôi ước ao tự bào chữa với Đức Chúa Trời" (13:3 BDM).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong các chương này Gióp nói gì về các bạn của ông? Ông nói gì về Đức Chúa Trời? Tại sao Gióp muốn tranh luận với Chúa?

Trong bài phát biểu này của Gióp có hai phần: phần thứ nhất, Gióp nói với các bạn (12:2-13:18); phần thứ hai, ông thưa chuyện với Đức Chúa Trời. Lời lẽ của Gióp lắm khi giận dữ, cực đoan, nhưng chúng ta hiểu ý ông và biết nỗi chán chường của ông. Ông cho rằng các bạn chẳng khôn ngoan hơn ông (12:2-12), vì ông có kinh nghiệm sống hơn họ: người công chính chịu khổ, người gian ác lại không bị hình phạt (12:4-6). Dường như Gióp xem thường bạn hữu vì họ tự phong mình làm người đứng ra bênh vực cho Đức Chúa Trời, họ nôn nóng muốn bảo vệ uy tính của Ngài. Họ đâu có biết rằng làm như thế là sai quấy, không hiểu gi về Đức Chúa Trời (13:4). Họ lăng xăng bên Đức Chúa Trời như thể Ngài là ông già ốm yếu, không nên để Ngài ra ngoài một mình đương đầu với thế giới hay chỉ trích này (13:7-10). Lắm khi chúng ta cũng suy nghĩ tương tự. Trong việc truyền giáo, cần lưu ý khuynh hướng biến Chúa Giê-xu thành món hàng thô sơ dễ tiếp thị (Cô-lô-se 1:28, 29). Thập tự giá của Ngài được mài nhẵn, thân vị cùng sứ điệp của Ngài được đơn giản hóa gọn gàng, đẹp đẽ (I Cô-rinh-tô 1:18-25). Gióp cho là chúng ta nhân danh Đức Chúa Trời để "nói điều dối trá" (13:7). Đôi khi chúng ta nói về những kinh nghiệm đức tin. Đương nhiên chúng ta nói về những điều đáng khen ngợi, sự đáp lời cầu xin, sự hướng dẫn, việc chữa lành, nhưng những điều đó không phải là toàn bộ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chúng ta quên đi sự tăm tối, sự hỗn loạn, hoài nghi cùng sợ hãi của mình, bởi lẽ những điều đó có vẻ không tôn cao uy danh Chúa lắm khi làm xấu hình ảnh Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 12:7-10). Dưới bàn tay Đức Chúa Trời, những chuyện đau thương chủ yếu là giúp chúng ta tăng trưởng trong sự hình thành thuộc linh, tạo nên tâm hồn chúng ta (I Phi-e-rơ 1:6-9); chúng khiến chúng ta vui vẻ và thực tế hơn. Chúng ta đừng bênh vực danh Đức Chúa Trời trước thế gian bằng cách bẻ cong chân lý.

Trong những lần nói chuyện với các bạn, Gióp thường xoay tâm trí ông hướng về Đức Chúa Trời (13:3). Lời phát biểu với Đức Chúa Trời của Gióp có hai ý chính: (a) ông yêu cầu Đức Chúa Trời trình bày những bất mãn của Ngài đối với ông (13:19-27). Ông yêu cầu Chúa tuyên bố trước tòa rằng ông vô tội. Đối với Gióp dường như Đức Chúa Trời xé câu chuyện ra to, hình phạt ông về những sai lầm trong thời thơ ấu (13:26), giới hạn ông, gò ép ông (13:27). (b) Ông yêu cầu Đức Chúa Trời buông tha ông để ông được chết yên ổn (13:28-14:22). Hãy nghĩ tới thế giới tư tưởng của Gióp. Sau cái chết, chỉ có Âm phủ, nơi tăm tối và thê lương ảm đạm (14:13-15) cùng với cảm giác buồn đau xé lòng do sự mất mát mọi dấu vết hiện hữu của mình (14:2, 18-22). Sự tái sinh tự nhiên của một gốc cây là phép lạ của thái độ lạc quan so với cái chết của con người (14:7-10). Lan tỏa khắp bức tranh u ám của Gióp là cảm giác bất bình trước sự hoàn toàn bất công của một cảnh đời dưới sự canh giữ của Đức Chúa Trời là quan án nghiêm khắc (câu 3-6). Chúng ta cảm thấy ra sao nếu không có hy vọng về sự sống đời đời (câu 10)? Giải đáp của chúng ta là phải làm việc, cầu nguyện và hy vọng cho đời này phản ánh được thiên đàng, như Chúa Giê-xu đã dạy. Đời này và đời sau liên quan với nhau như lời hứa với việc làm trọn lời hứa. Chúng ta chỉ nắm bắt được ý nghĩa cuộc sống đời này khi nhìn nó trong ánh sáng từ vinh quang đời sau chiếu ngược vào chúng ta. Thiếu sự cân bằng đó, chúng ta sẽ tiếp tục hiểu lầm và sử dụng sai đời này, chất đầy đời mình với những hoài bão cho tới khi nó sụp đổ dưới những đòi hỏi tham lam. Bản năng sâu thẳm của chúng ta là ước ao được nhìn mặt Đức Chúa Trời.

Bạn có ước ao nhìn thấy Đức Chúa Trời không? Bạn có yêu những con người do Ngài tạo dựng không? Đời sống bạn phản ánh ra sao tình yêu của Ngài cùng tình yêu của bạn đối với những người Ngài đã tạo dựng?

Lạy Chúa, con khao khát tới ngày được gặp Ngài. Trong khi chờ đợi, xin giúp con yêu đời này như cách Ngài yêu, để ngày kia, đời này cũng sẽ được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài.

(c) 2024 svtk.net