Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Tinh Thần của Người Học Trò

Ê-sai 50:4-9

"CHÚA ban cho tôi lưỡi của người được dạy dỗ,

Để tôi biết nâng đỡ người mệt mỏi bằng lời nói.

Mỗi buổi sáng Ngài đánh thức,

Ngài đánh thức tai tôi để tôi nghe như người được dạy dỗ" (Ê-sai 50:4).

Câu hỏi suy ngẫm: Ê-sai chỉ cho chúng ta tinh thần nào cần có để nghiên cứu, học hỏi Lời Chúa? Khi có tinh thần học hỏi đó, Chúa giúp chúng ta thế nào? Kết quả nào dành cho người học trò có tinh thần học hỏi?

Để học Lời Chúa, chúng ta phải nỗ lực, tuy nhiên, chúng ta sẽ không cố gắng nếu không nhận biết suốt đời mình vẫn là người học trò của Lời Chúa.

Môn đệ là người học trò. Môn đệ Chúa là người học trò của Chúa và là người học trò của Lời Đức Chúa Trời. Theo Tiên tri Ê-sai người đầy tớ của Đức Chúa Trời, có:

(1) Một bản chất chịu dạy dỗ (câu 4). Người đầy tớ có "lưỡi của người được dạy dỗ." Cởi mở tâm trí cho chân lý là đặc tính cần có cho mọi người làm môn đệ Chúa. Làm thế nào có thể học hỏi nếu chúng ta là người cố chấp? Giống người đầy tớ trong Ê-sai, phải luôn cởi mở và có tinh thần tiếp nhận bất cứ điều gì Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ chúng ta.

(2) Một tâm linh được Đức Chúa Trời uốn nắn (câu 5). Người đầy tớ trong Ê-sai có đôi tai được mở ra để lãnh hội sự dạy dỗ. Khi chúng ta chịu học hỏi và chịu dạy dỗ, Chúa cho chúng ta hiểu biết và tiếp thu chân lý của Ngài dễ dàng, không chống đối, nổi loạn hay rút lui khỏi công tác được giao phó dù nguy khốn. Môn đệ của Chúa có tâm linh được Chúa uốn nắn. Tâm linh của chúng ta giữ chúng ta tiếp tục tiến bước trên đường đời. Sự tương giao thường xuyên với Chúa và thờ phượng Chúa giữ chúng ta bén nhạy với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh.

(3) Một tấm lòng trông cậy Đức Chúa Trời (câu 6-9). Môn đệ của Chúa không bước đi một mình, không tự mình làm. Môn đệ của Chúa sống với nhận thức Đức Chúa Trời là Đấng giúp đỡ, bênh vực và mang lại sự đắc thắng cho mình.

Võ sư Jigoro Kano, người sáng lập môn võ nhu đạo Judo. Câu chuyện của ông là một bài học khích lệ và động viên cho nhiều người. Võ sư Kano là người có ý chí học hỏi. Ông nghiên cứu môn võ cổ truyền Jujitsu và biến chế nó thành một môn võ mới với những nguyên tắc vận động hiện đại, ông tạo môn võ nhu đạo - không dùng sức, nhưng dùng những thế võ nhẹ nhàng để tự vệ và hạ địch thủ. Khi còn sống, võ sư Kano không ngừng học hỏi những kỹ thuật để cải tiến bộ môn võ thuật này. Trước khi qua đời, vị tổ sư môn nhu đạo gọi các võ sinh của ông đến. Trong khi họ nóng lòng muốn nghe lời trăn trối cuối cùng của thầy mình, ông nói, "Khi tẩm liệm để chôn tôi, hãy mặc cho tôi bộ đồ võ, nhưng đừng thắt cho tôi đai đen. Hãy tẩm liệm tôi trong bộ đồ võ với cái đai trắng!" Mọi bộ môn võ thuật đai đen là biểu tượng người học lâu, có kinh nghiệm võ thuật thâm hậu. Còn đai trắng là biểu tượng của một người mới bắt đầu học, một người còn phải học rất nhiều. Là tổ sư của môn võ Judo nhưng trước khi chết Kamo dặn tẩm liệm ông với bộ đồ võ mang đai trắng. Thật là một bài học khiêm nhường bày tỏ một tấm lòng muốn học hỏi của một vị thầy. Mỗi người, dù ở trình độ thuộc linh nào, chúng ta cũng là người học trò suốt đời. Dù là giáo sư, mục sư, sinh viên, học sinh, cha mẹ hay con cái, người lãnh đạo hay người thừa hành, trong mọi vai trò, chúng ta phải luôn luôn mang đai trắng.

Tôi có thái độ tinh thần nào trong việc học, nghe Lời Chúa?

Cầu xin Chúa giúp con luôn luôn biết mình là người học trò. Xin khiến con khiêm nhường và luôn luôn tìm tòi, học hỏi.

(c) 2024 svtk.net