Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 5

Kiêng Ăn -- Cầu Nguyện: Tìm Kiếm Chúa, Biết Chúa

Thi-thiên 100; II Sử-ký 7:14

"Chính Ngài dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài... Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi, và sự thành tín Ngài còn đến đời đời" (câu 3b, 5).

Câu hỏi suy ngẫm: Kiêng ăn là gì? Kiêng ăn có mục đích gì? Sự kiêng ăn giúp bạn biết thêm về Chúa như thế nào? Điều đó đem lại hữu ích nào cho đời sống bạn? Cho gia đình, Hội Thánh của bạn? Theo bạn, khi nào nên kiêng ăn?

Chúng ta thường được nghe giảng hay nhắc nhở đến việc kiêng ăn và cầu nguyện, nhưng nhiều người trong chúng ta không hiểu, nên ít quan tâm đến lãnh vực nầy. Ước mong ánh sáng của Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề kiêng ăn cầu nguyện, và Chúa Thánh Linh ban năng lực cho đời sống theo Chúa của chúng ta.

Trước hết, đây là một kỷ luật thuộc linh mà Đức Chúa Trời mong đợi con dân Ngài áp dụng. Khi kiêng ăn, ta khước từ nhu cầu vật thể, để hướng tâm đến sự tể trị của Đức Chúa Trời. Qua hành động kiêng ăn, ta xác chứng rằng Ngài là Đức Chúa Trời của tôi và tôi là con dân Ngài. Khi có mối liên hệ này, ta tôn cao Danh Chúa trong cuộc đời mình. Mối liên hệ này phát nguyên từ mục đích tối thượng của Đức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng vũ trụ và muôn loài vạn vật. Đặc biệt đối với loài người, Đức Chúa Trời thiết lập mối liên hệ cách cá nhân khác nào giữa người chăn chiên với bầy chiên: "Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; chúng tôi là dân Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài" (Thi-thiên 100:3). Bởi thế, khi khép mình vào việc kiêng ăn - khắc phục những đòi hỏi thể xác và nhu cầu vật chất hằng ngày, ta hướng tâm hồn lên cùng Đức Chúa Trời, chúng ta muốn thưa rằng: Ngài quan trọng hơn tất cả mọi sự. Hơn nữa, khi kiêng ăn, chúng ta dành thì giờ riêng cho Chúa, xác định Đức Chúa Trời là đối tượng ưu tiên và dành hết cả tâm hồn, tấm lòng của chúng ta cho Ngài. Chúng ta sẽ có cơ hội (a) nhận thức sự tể trị của Đức Chúa Trời; (b) tập trung tâm tư ý tưởng hướng về chính Ngài mà không bị chi phối bởi bất cứ điều gì của trần gian; (c) tìm được sự an nghỉ trong sự chăn dẫn của Ngài; (d) trút đổ mọi quan tâm của mình cho Ngài cách hết lòng. Qua đó, chúng ta cũng nhận biết sự thật về Chúa: Trong Ngài có sự hoàn thiện, có tình yêu thương đời đời không thay đổi, có sự thành tín đối với những việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta (câu 5). Từ đó đưa chúng ta đến chỗ hết lòng tôn vinh cảm tạ Ngài.

Bên cạnh đó, kiêng ăn là hành động ép linh hồn mình để cầu nguyện. Khi đối diện với những nan đề trong cuộc đời, thông thường, chúng ta thường cố gắng tự tìm cách giải quyết riêng, ít khi đặt mình vào khuôn khổ cầu nguyện hay nếu có thì cũng cầu nguyện qua loa lấy lệ. Khi kiêng ăn, chúng ta bày tỏ lòng cương quyết, ép linh hồn bước vào sự cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, hay nói cách khác, chúng ta chiến đấu bằng sự cầu nguyện cho đến khi lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời vui nhậm. Hình ảnh của Gia cốp vật lộn cùng thiên sứ của Đức Chúa Trời thâu đêm có thể diễn đạt được tinh thần "ép linh hồn mình để cầu nguyện." Khi kiêng ăn để trình dâng những điều cầu xin của chúng ta cho Đức Chúa Trời, ta nói như Gia-cốp rằng, "Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi" (Sáng-thế Ký 32:26b). Chính Đức Chúa Trời cũng đã truyền luật nầy cho dân của Ngài trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội, "Điều này sẽ là một lệ định đời đời cho các ngươi: đến mồng mười tháng bảy, các ngươi phải ép linh hồn mình, không nên làm một việc nào, bất kỳ người bổn xứ hay là kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi; vì trong ngày đó người ta sẽ làm lễ chuộc tội cho các ngươi, để các ngươi được tinh sạch: chắc các ngươi sẽ được sạch những tội lỗi mình trước mặt Đức Giê-hô-va vậy" (Lê-vi Ký 16:29-30).

Tôi có đặt cho mình kỷ luật tâm linh cần theo đuổi là sự kiêng ăn không?

Lạy Chúa, xin giúp con biết dành thì giờ để được gần Ngài hơn, biết Ngài hơn.

(c) 2024 svtk.net