Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 14

Khải Tượng

Xa-cha-ri 1:7-21

"Ta lấy lòng thương xót trở về vùng Giê-ru-sa-lem" (câu 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Xa-cha-ri thấy gì trong khải tượng thứ nhất? Bạn nghĩ gì về người cỡi ngựa và bầy ngựa? Điều đó cho bạn khích lệ nào? Trong khải tượng thứ hai Xa-cha-ri thấy gì? Qua khải tượng này bạn học được gì về quyền tể trị của Chúa? Điều đó cho bạn hy vọng nào?

Xa-cha-ri 1:7 cho chúng ta một hiện tượng mới: Không những Chúa dạy bằng lời mà còn bằng khải tượng. Khải tượng giống như một đoạn phim ngắn hiện ra trước mắt, nhiều khi khó hiểu, khó giải nghĩa, nhưng làm cho sự dạy dỗ thêm sống động, thu hút hơn.

Khải tượng đầu tiên Xa-cha-ri thấy là một người cỡi ngựa hồng đứng giữa những cây sim và theo sau là một bầy ngựa nhiều màu. Người cỡi ngựa này được minh xác là thiên sứ của Đức Giê-hô-va (câu 12). Vị thiên sứ đặc biệt này được nhắc đến trong Sáng-thế Ký chương 16; 18; Xuất Ê-díp-tô 3; Giô-suê 5, vv... Kinh Thánh gọi vị ấy là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, và cũng là Đức Giê-hô-va. Cho nên các nhà giải kinh xác nhận vị thiên sứ ấy chính là Ngôi Hai của Đức Chúa Trời (Chúa Giê-xu) hiện ra cho con người thấy, trước khi Ngài giáng sinh vào đời để làm một người bằng xương bằng thịt. Cây sim (myrtles) là giống cây thấp, lá xanh tươi quanh năm. Cây sim có hoa nhỏ, khi bị chà xát thì tỏa ra mùi thơm. Cây sim tượng trưng cho người Do Thái. Họ là một dân tộc nhỏ, giống như cây sim nhỏ bé, yếu ớt. Bầy ngựa nhiều màu là những sứ giả Chúa sai đi khắp nơi trên đất. Các sứ giả tường trình rằng khắp nơi dân cư đang ở yên lặng. Tiếp theo, Chúa truyền bảo những lời lành để an ủi Ít-ra-ên. Chúa dạy rằng Ngài nổi giận cùng các kẻ thù của Ít-ra-ên, và Ngài lấy lòng thương xót mà trở về cùng Giê-ru-sa-lem, Ngài ban thịnh vượng cho con dân Ngài, Giê-ru-sa-lem sẽ được tái thiết.

Khải tượng Chúa cho Xa-cha-ri thấy khiến chúng ta nghĩ đến khải tượng Chúa cho Sứ đồ Giăng thấy trong Khải-huyền 1:13. Hai khải tượng chép trong phần cuối của Cựu Ước và Tân Ước có nhiều điểm tương tự nhau. Chúng ta thấy trong Cựu Ước (sách Xa-cha-ri), Chúa Giê-xu đứng giữa những cây sim, tức giữa dân Ngài là người Do Thái. Trong Tân Ước (sách Khải-huyền), Chúa đứng giữa các chân đèn, tức giữa Hội Thánh Ngài. Chúa đến với con dân Chúa, ở giữa họ và ở cùng họ, khi họ trở lại với Ngài. Sự hiện diện của Ngài là một niềm an ủi, và cũng là một thách thức. Vì Ngài hứa ở cùng chúng ta cho đến tận thế (Ma-thi-ơ 28:20), đồng thời Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy liều mình vác thập tự giá mà theo Ngài (Lu-ca 9:23).

Khải tượng thứ hai, Tiên tri Xa-cha-ri thấy là bốn cái sừng và bốn người thợ rèn. Những cái sừng tượng trưng cho các thế lực thù nghịch lâu nay quấy hại Ít-ra-ên. Còn những người thợ rèn là những vị lãnh tụ Chúa sẽ dấy lên để phá tan các thế lực thù nghịch trên. Chúng ta khó xác định chính xác bốn cái sừng và bốn người thợ rèn chỉ về nước nào, người nào, nhưng sứ điệp Chúa muốn truyền dạy thì rất rõ. Dù có nước nào, người nào nổi lên chống nghịch Chúa, hãm hại con dân của Ngài thì Ngài cũng có cách thích ứng của Ngài để đối phó, để chống cự.

Sự dạy dỗ trên đã được minh chứng nhiều lần trong lịch sử. Hàng ngàn năm qua, người Do Thái, cũng như Hội Thánh của Chúa đã trải qua bao cuộc tàn hại, nhưng Chúa can thiệp kịp thời để bảo vệ con dân Ngài. Chúng ta thấy trong sách Ê-xơ-tê, ông Ha-man có kế hoạch tiêu diệt dân Chúa, nhưng Chúa đã phá tan ác mưu của ông. Mỗi lần kẻ thù âm mưu tàn hại Hội Thánh, là thêm một lần Chúa khiến Hội Thánh Ngài mở mang vững mạnh.

Bạn có đang gặp gian nan thử thách chăng? Hãy vững vàng tin cậy Chúa. Ngài không quên, không bỏ bạn đâu.

Những khải tượng này giúp gì cho đức tin của tôi?

Cảm tạ Chúa về sự tể trị đời đời của Ngài, xin giúp con luôn tin cậy Ngài, vâng lời Ngài.

(c) 2024 svtk.net