Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 17

Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm

Xa-cha-ri 3:6-10; Hê-bơ-rơ 7:11-23

"Quả thật ta sẽ làm cho đầy tớ ta là Chồi Mống dấy lên" (câu 8b).

Câu hỏi suy ngẫm: Sau khi được ban áo sạch Chúa truyền dạy Giê-hô-sua điều gì? Nếu làm theo thì Giê-hô-sua nhận được gì? Những từ trong câu 8-9: Đầy Tớ, Chồi Mống, Hòn Đá khiến bạn nghĩ đến ai? Điều gì Chúa ban cho bạn trong Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm?

Sau khi được mặc áo sạch, thầy tế lễ Giê-hô-sua được Chúa truyền bảo rằng: Nếu ông bước đi trong đường lối Chúa, và vâng giữ điều Chúa dạy phải giữ, thì Chúa sẽ cho ông được xét đoán, được canh giữ hiên của nhà Chúa, và được ở trong hàng ngũ những người đứng chầu trước mặt Chúa.

Khải tượng trên dạy chúng ta những chân lý quý báu về việc cứu rỗi

1. Chúng ta được cứu để làm lành, chứ không phải làm lành để được cứu rỗi. Chân lý này đã được Chúa mạc khải rõ ràng trong Cựu Ước cũng như Tân Ước. Trong Cựu Ước, Chúa đã cứu người Do Thái ra khỏi cảnh đọa đày tại Ai Cập, khỏi gươm giáo của kẻ thù rượt đuổi, rồi sau đó Ngài mới truyền dạy luật lệ để họ sống. Ở đây, trong khải tượng thầy tế lễ đã được thay áo sạch rồi mới được Chúa truyền bảo bước đi trong đường lối Chúa.

Thứ tự cứu rỗi trước rồi đến việc lành sau rất quan trọng. Vì nếu Chúa đòi chúng ta phải làm việc lành mới được cứu, chắc chắn không ai được cứu rỗi. Vì không ai làm lành đủ để nhờ việc lành mà được cứu. "Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rô-ma 3:23). Tạ ơn Chúa, nhờ ân huệ của Ngài, chúng ta được cứu hoàn toàn miễn phí, miễn công đức.

2. Dù vậy, việc lành của chúng ta rất quan trọng trong đời sống con cái Chúa. Trước hết, cần biết rằng chúng ta không chỉ được cứu để thoát khó khăn hoạn nạn, hay khỏi địa ngục, mà chúng ta được cứu là để sống với Chúa trong mối liên hệ thân thương. Do đó, chúng ta cần phải sống thánh thiện, vì Chúa là Đấng Thánh Thiện. Tất cả những lời răn dạy con cái Chúa thời Cựu Ước cũng như Tân Ước là để hướng dẫn chúng ta làm sao để sống làm một dân tộc, một hội đoàn, một cá nhân có Chúa vui ngự với mình. Xa-cha-ri 3:8-10 là lời tiên tri về Chúa Cứu Thế. Trong những câu này, Ngài được gọi bằng những danh xưng khác nhau: Đầy Tớ, Chồi Mống, Hòn Đá. Tuy nhiên, điều cốt yếu mạnh ở đây không phải là danh xưng của Ngài, mà là chức vụ tế lễ của Ngài. Thầy tế lễ Giê-hô-sua và những đồng sự của ông là hình bóng (làm dấu, câu 8) chức vụ tế lễ của Đấng Cứu Thế. Ngài là Đấng sẽ "cất sự gian ác khỏi đất này trong một ngày."

Sách Hê-bơ-rơ giãi bày đầy đủ hơn về chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu. Ngài là thầy tế lễ siêu việt, vì Ngài vừa là sinh tế toàn hảo vừa là Đấng cầu thay toàn hảo. Là sinh tế toàn hảo, sự hy sinh sinh mạng của Ngài thật sự có năng lực rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Các sinh tế bằng súc vật khi xưa chỉ là hình bóng, biểu tượng để chỉ về Ngài. Hơn nữa, người xưa phải dâng sinh tế luôn luôn, Chúa Giê-xu chỉ cần dâng thân thể mình một lần là đủ.

Là Đấng Cầu Thay toàn hảo, Ngài tốt lành hơn các thầy tế lễ khác bội phần. Các thầy tế lễ khác đều là tội nhân, trong khi Ngài là Đấng vô tội. Các thầy tế lễ phải dâng tế lễ chuộc tội cho chính họ trước khi vào nơi chí thánh, trong khi đó Chúa chẳng cần dâng tế lễ chuộc tội cho mình, Ngài vào thẳng nơi chí thánh. Các thầy tế lễ chỉ có thể phục vụ trong một thời gian ngắn vì họ phải chết, nhưng Chúa sống vĩnh viễn và Ngài làm Thầy Tế Lễ đời đời. Các thầy tế lễ khác phục vụ trong đền thờ dưới đất, Chúa Giê-xu phục vụ tại đền thờ trên trời.

Chúng ta có một thầy tế lễ siêu việt. Ngài đã dâng sinh mạng mình làm tế lễ để chuộc tội cho chúng ta, và Ngài hằng ở nơi chí thánh trên trời để cầu thay cho chúng ta. Chúng ta không ‘’vững lòng đến ngôi ân phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong khi cần thiết’’ sao?

Tôi sẽ nói cho người khác biết gì về Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm?

Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã là sinh tế, là thầy tế lễ và là Đấng cầu thay cho con.

(c) 2024 svtk.net