Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 26

Cô Đơn và Hy Vọng

Gióp 16:1-17:16

"Song người công chính sẽ bền vững trong đường lối mình, và người có tay thanh sạch sẽ càng ngày càng được mạnh dạn" (17:9)

Câu hỏi suy ngẫm: Điều nào khiến Gióp cảm thấy cô đơn? Trong đau khổ ông có niềm hy vọng nào? Ngày nay, trong cô đơn bạn tìm thấy hy vọng từ đâu?

Trong khi viết bài này, tôi nhớ lại một số người trong Hội Thánh chúng tôi đang đau khổ. Có người đang bị ung thư đe dọa tính mạng, người khác bị mất việc. Một gia đình đang khóc lóc vì cái chết đột ngột của đứa con gái sáu tuổi. Họ đối đầu với những xúc cảm khác nhau: giận dữ, chán nản, nghi ngờ, thấy vô nghĩa, và tuyệt vọng. Nhưng một xúc cảm được biểu lộ ngày càng gia tăng là sự cô đơn. Sự thật đã được chứng minh ấy là khi căn bịnh trầm trọng diễn tiến, người đau khổ ngày càng cảm thấy bị cách ly và cô đơn, thường là vì bị người khác xa lánh.

Trong phân đoạn này chúng ta thấy Gióp đang chiến đấu với cảm giác cô đơn, một tình cảm được đề cập trong lời ông đáp lại Sô-pha (chương 12-14). Chúng ta có thể học từ Gióp điều đã tạo nên cảm giác bị xa lánh này. Chắc chắn ông cảm thấy bị các bạn khước từ: "tất cả các anh đều là những người an ủi khốn khổ" (câu 1-5). Gióp nhắc ta rằng sự phục vụ đúng mức những người cảm thấy bị bỏ rơi, là khích lệ họ - "lời an ủi của môi ta" (câu 5). Tất cả chúng ta đều đối diện quá nhiều điều gây buồn phiền thất vọng, vì vậy chúng ta cần phục vụ nhau qua việc quí trọng và gây dựng nhau. Gióp cũng cảm thấy bị Đức Chúa Trời xa lánh (16:9-12). Điều thú vị là giữa cô đơn đó Gióp đưa ra khái niệm về người trung gian. Dù bạn bè thiếu trung thành, nhưng chắc chắn là Đức Chúa Trời hiểu và sẽ dàn xếp giữa Gióp với chính Ngài (16:18-22) - lời báo trước về sự mạc khải trong Tân Ước (I Ti-mô-thê 2:5).

"Chẳng hố nào quá sâu đến nỗi tình yêu Đức Chúa Trời không thể với tới," Bà Corrie Ten Boom đã nói thế. Hố sâu của bà ở đây là việc ngồi tù ở Ravensbrück, trại tập trung khét tiếng của Đức quốc xã, nơi chị của bà đã chết. Tình yêu Đức Chúa Trời đã nâng đỡ Corrie đưa bà vào niềm hy vọng. Ở đây Gióp ngưng đáp lời Ê-li-pha, ngay giữa hố sâu cô đơn và tuyệt vọng, ông bày tỏ hy vọng, tuy yếu ớt. Trong câu 17:9, Gióp công bố đức tin thật kinh ngạc. Mối quan hệ giữa ông với Đức Chúa Trời, với bạn hữu, và với cộng đồng nói chung có thể đã bị cắt đứt. Nhưng hy vọng vẫn còn đó. Gióp cho rằng ông đang theo đường riêng của mình; nhờ vô tội, nhờ "bàn tay trong sạch," ông sẽ sống còn. Trong quan hệ bạn bè, Gióp thật sự xem họ như lý tưởng đã mất. Trong quan hệ với Đức Chúa Trời, cơn giận một chiều của Gióp đã nhường chỗ cho cách tiếp cận hai chiều. Hy vọng là đường lối đúng đắn, hợp với Thánh Kinh. Lắm khi chúng ta nói về đức tin, về tình yêu, nhưng dường như chúng ta tránh né nói đến hy vọng (I Cô-rinh-tô 13:13; Cô-lô-se 1:5; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3, 5:8). Hy vọng được định nghĩa là quà tặng từ Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, sinh ra niềm tin cậy vào sự thành tín không hề chuyển lay của Ngài. Ta mong đợi nồng nhiệt sự can thiệp đúng lúc của Ngài vì nghĩ rằng Ngài luôn giữ lời hứa với ta. Hy vọng như vậy giúp chúng ta cứ tiếp tục tiến tới ngay giữa nghịch cảnh.

Hãy đánh giá hoàn cảnh sống của bạn trong ánh sáng của Rô-ma 8:28. Trên phương diện nào bạn kinh nghiệm được Đức Chúa Trời hành động trong mọi sự vì lợi ích? Điều này làm gia tăng đức tin bạn ra sao? Kết quả này có sẽ lộ rõ khi bạn đối diện những vấn đề cùng thử thách của ngày hôm nay không?

Lạy Chúa, cảm tạ Ngài về cách Ngài dẫn dắt con qua những lúc khó khăn trong đời. Cầu xin điều đó thêm sức cho con khi đối diện bất kỳ thử thách nào con gặp phải.

(c) 2024 svtk.net