Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Trong Ánh Sáng của Sự Khôn Ngoan

Gióp 27:1-28:28

"Ngài phán với loài người: Kính sợ Chúa, chính đó là sự khôn ngoan, lìa bỏ điều ác, chính đó là sự thông sáng" (câu 28).

Câu hỏi suy ngẫm: Làm thế nào để Gióp không bị áp lực từ các bạn: ăn năn, xưng tội? Trong thử thách bạn có lương tâm trong sáng trước mặt Chúa không? Bạn tìm được sự khôn ngoan từ đâu? Điều kiện nào để được sự khôn ngoan?

Chúng ta phải nhớ rằng sách Gióp có thể được xem như báo cáo một vụ án, trong đó sự thật về lòng trung thành của Gióp bị đem ra soi mói. Gióp chỉ "sinh mạng của Đức Chúa Trời" (câu 2), sự thánh khiết của Đức Chúa Trời (ông không phạm thượng; câu 4), và chính mạng sống mình (câu 5) mà thề. Vấn đề của lời thề này là lương tâm của ông vốn tuyệt đối trong sáng. Tức là ông không đầu hàng áp lực từ các bạn buộc phải giả dối xưng tội. Chỉ có sự thật mới ổn thỏa trong quan hệ giữa ông với Đức Chúa Trời, vì vậy ông nói thật. Là độc giả, chúng ta biết Gióp ngay thật. Vì vậy mà sách của ông thật sâu sắc.

Nếu lương tâm được điều chỉnh thật hợp với Đức Chúa Trời như của Gióp, thì ta sẽ được tiếng phán của Đức Chúa Trời. Do đó, Đức Chúa Trời là một bên trong cuộc nói chuyện tay ba với Gióp và các bạn, xuất hiện công khai vào lúc cuối, nhưng xuyên suốt vẫn là sự kiên quyết của Gióp, không chịu phủ nhận lương tâm mình. Đấy chính là điều Gióp khẩn khoản: sự thật về chính mình, và điều bí ẩn trong cách Đức Chúa Trời đối xử với ông.

Câu 13-23 mô tả số phận kẻ ác trong tay Đức Chúa Trời bằng những từ quen thuộc, bi thảm: gươm, tai vạ, đảo ngược số phận, và cuộc sống bị áp đảo như gặp bão to. Nhưng sự tranh chiến trọng điểm của sách này là những tai vạ xảy ra với kẻ ác cũng như với người trung thành.

Rồi Gióp đi tới đỉnh cao trong câu 23: "Chỉ một mình Đức Chúa Trời biết chỗ ở của sự khôn ngoan." Đây là câu then chốt của cả sách. Chân lý trong câu này nằm sau cuộc đàm thoại giữa Gióp với các bạn, và trổi dậy vô cùng mạnh mẽ trong phần đối thoại kết thúc giữa Đức Chúa Trời với Gióp.

Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất biết sự khôn ngoan, là Đấng Tạo Hóa; toàn vũ trụ cùng mọi thứ trong đó, kể cả lòng và trí của loài người, chỉ hiểu được bản thân nhờ Ngài. Do đó, tầm bao quát những hình ảnh lộng lẫy trong phần đầu (câu 1-11), từ "bóng tối đen kịt" của hầm mỏ thẳm sâu đến tận các từng mây mà chỉ chim ưng mới bay đến được; và trong phần hai (câu 12-19), mọi xứ có người ở, biển rộng sâu, cùng những biểu tượng phong phú nhất của sự giàu có. Mọi thứ này đều đến từ Đấng Tạo Hóa, Đấng duy nhất nhìn thấy toàn cảnh bức tranh.

Phía sau phần Kinh Thánh này là Sáng-thế Ký chương 2 và 3. Sa-tan cám dỗ nhân loại nắm bắt khôn ngoan bằng việc "đột kích những bí mật chỉ dành riêng cho thiên thượng" (xem Sáng-thế Ký 3:6). Nhưng việc làm này chẳng hiệu quả trong Sáng-thế Ký lẫn trong Gióp: sự khôn ngoan không nhằm để tóm thâu hoặc mua chuộc (câu 16-19), mà nhằm thâm nhập qua sự vâng phục tin cậy đối với Đức Chúa Trời là Đấng ban phát. "Kính sợ Đức Giê-hô-va’ là chìa khóa, cùng với quyết tâm "tránh khỏi điều ác" (câu 28b).

A-đam và Ê-va trốn tránh Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 3:8-10), nhưng Gióp thì mong mỏi gặp gỡ Ngài riêng tư (23:3, 4). Cuối cùng, chúng ta nhớ Gióp tin chắc rằng sau cuộc thử nghiệm, ông sẽ "ra như vàng" (23:10; so sánh câu 5, 6). Đức Chúa Trời đã "khai thác" Gióp và đúc nên những thỏi vàng. Những thỏi vàng đó là sự khôn ngoan.

Bạn có tin là Đức Chúa Trời đang tạo trong bạn những "thỏi vàng" không? Bằng cách nào? Điều này ảnh hưởng cuộc sống bạn hôm nay ra sao?

Lạy Chúa Giê-xu, xin giúp con chấp nhận "sự thử lửa" trong đời sống con. Cầu xin điều đó làm lộ rõ những "thỏi vàng" để mang lại phước hạnh không chỉ trong đời sống con, mà cũng trong đời sống người khác nữa.

(c) 2024 svtk.net