Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Bài Ca Trong Đêm

Gióp 29:1-30:31

"Tôi nghĩ về ngày xưa, những năm tháng đã qua; ban đêm tôi nhớ lại bài ca của tôi; tôi suy tư trong lòng và tâm linh tự vấn" (Thi-thiên 77:5, 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Nhìn lại ngày xưa Gióp nhớ những gì? Hiện tại của ông thế nào? Cảm nghĩ của ông trong hiện tại – dù không hiểu được, tại sao ông vẫn tìm đến Chúa? Mời bạn nhớ lại - ngay cả ghi lại - câu chuyện mình đồng đi với Đức Chúa Trời và suy nghĩ về nó. Đức Chúa Trời đã dạy bạn điều gì qua kinh nghiệm quá khứ của mình? Kinh nghiệm đó tăng thêm sức cho bước đi của bạn với Chúa ra sao?

Tình trạng Gióp bị bỏ rơi đã đẩy ông qua các chu kỳ giận dữ, tuyệt vọng, kinh khiếp, hy vọng tăng rồi giảm, chiến đấu khổ sở để hiểu, khao khát được thân mật lại với Đức Chúa Trời: "Chớ chi tôi biết nơi nào tìm được Chúa..." (23:3), và hy vọng mong manh rằng cuối cùng mọi sự sẽ tốt đẹp: "Chúa biết con đường tôi đi" (23:10).

Không lời giải thích cô đọng nào có thể diễn tả đúng mức cảnh đêm trường này trong tâm hồn Gióp. Tác giả quí trọng việc Gióp khắc khoải chờ đợi Đức Chúa Trời dài hạn như vậy.

Trong chương này và hai chương kế, Gióp bênh vực lần cuối cho lối sống liêm chính. Giữa chúng ta và Gióp có điểm nào trùng hợp không? Hãy nghĩ tới gia đình (câu 5), danh tiếng (câu 7-11, 13, 21-24), quyền hành (câu 25), ưu tiên và cam kết (câu 12-17, 25), hưu hạ, tuổi già (câu 18-20), quan hệ với Đức Chúa Trời (câu 2-4). Hãy tưởng tượng, nếu bạn bị tước sạch hết.

Hoài niệm của Gióp về những ngày đã qua khiến nỗi đau hiện tại càng nhức nhối thêm. Xưa thì thới thạnh, bây giờ thì khổ nạn (câu 1, 9,16). Chúng ta có thể thấy được giọng điệu nhịp nhàng, đều đặn, trong chương trước. Giờ đây trong chương 30 giọng của Gióp ngắt quãng. Ông khóc lóc và kêu la trong cơn giận cùng nỗi đau đôi khi gần như chẳng có mạch lạc gì. Gióp nói lên thành lời những ẩn ức, đang gặm nhắm lòng ông (câu 9, 10); và đó cũng là lối suy nghĩ của chúng ta (câu 13, 15). Việc âm thầm diễn lại trong tâm, sự giận dữ cùng khinh miệt chẳng mang lại sự chữa lành; nó thổi phồng thêm cảm giác bị bắt bớ và bất công trong chúng ta. Nếu có thể biểu lộ nóng giận công khai (với Đức Chúa Trời, với bạn bè, mục sư, bác sĩ chuyên khoa tín cẩn) thì chúng ta có thể mổ xẻ vết thương ray rứt và bắt đầu mở ra con đường tha thứ (Ê-phê-sô 4:26). Sự nóng giận của Gióp đối với Đức Chúa Trời được nói lên nhiều lần (câu 19, 20) là thêm một chặng quan trọng trong chuyến hành hương của ông.

Chúng ta có phải hiểu việc mô tả chân dung Gióp, một con người "bình thường," đáp ứng trước những hoàn cảnh không bình thường đến kinh khiếp không? Pascal, Kierkegaard, và Simone Weil tìm thấy an ủi khi khám phá ra những khía cạnh trong nhân cách bị rạn nứt của mình qua Gióp. Trên phương diện nào đó chúng ta thật sự nhìn thấy mình trong con người kêu khóc của Gióp.

Gióp cởi mở đối với Đức Chúa Trời. Có bao giờ bạn cầu nguyện, hoặc cảm thấy muốn cầu nguyện theo lời cầu xin của ông trong câu 20 không? Vì Đức Chúa Trời đã biết điều gì trong lòng bạn rồi, nên bạn có thể tin chắc là Ngài hiểu. Hãy thành thật với Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu cho bạn (Hê-bơ-rơ 4:16).

Lạy Chúa, khi con không hiểu đường lối Ngài, xin dạy con tin cậy. Xin cho con thành thật với Ngài, nhưng với lòng rộng mở vì biết rằng đúng thời điểm của Ngài thì con sẽ hiểu.

(c) 2024 svtk.net