Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Ai Là Nhà Ái Quốc Chân Chính?

Giê-rê-mi 38:1-28

"Giê-rê-mi thưa rằng: Dân chúng sẽ không bỏ vua đâu. Xin vua hãy vâng theo tiếng Đức Giê-hô-va trong điều tôi nói, thì vua sẽ được ích và được sống" (câu 20).

Câu hỏi suy ngẫm: Bạn sẽ mô tả cá tính của vua Sê-đê-kia như thế nào? Ông ta sợ gì? Bạn có thường lo sợ không? Những lúc lo sợ Rô-ma 8:31-39 giúp gì cho bạn?

Vào cuối chương này Giê-rê-mi vẫn còn trong tình trạng y như ở cuối chương 37. Vẫn cảnh cũ: tiêu điểm chính là vua Sê-đê-kia. Câu chuyện gồm ba mẩu đàm thoại: mẩu thứ ba, với Giê-rê-mi, là dài hơn cả.

Quan chức triều đình có nghe lời giảng của Giê-rê-mi không? Dĩ nhiên là họ đã nghe! Họ đã nghe ông giảng suốt nhiều năm rồi; và giờ đây điều ông vẫn nói trở thành sự thật. Nhưng họ lại giải thích đó là phản quốc: "Đầu hàng thì sống! Kháng cự thì chết!" Đây khó có thể là thông điệp mà những kẻ đang dẫn đầu cuộc chiến muốn nghe. Họ xin phép vua (vua không hề phản kháng, câu 5) biến Giê-rê-mi thành nạn nhân - đối diện cái chết dai dẳng, nhớp nhúa, ngập ngục trong sình lầy.

Tại sao vua tiếp tục yêu cầu thông điệp từ Chúa? Ông ta hứa những gì? Bạn nghĩ ông ta sợ gì? Và bạn giải thích thế nào về sự che đậy sau cùng của ông ta, mà có vẻ như Giê-rê-mi cũng biểu đồng tình? Sê-đê-kia không tỏ thái độ hay ý kiến nào đối với sứ điệp, nhưng hành vi của vua trong những ngày cuối cùng này cho thấy trong thâm tâm vua đau đớn khốn khổ vô cùng. Đứng trước một lối thoát, vua biết là đúng, nhưng rồi cứ lưỡng lự, thật là tai hại!

Ai là nhà ái quốc chân chính trong chương này? Phải chăng là các quan chức chiùnh thống về chính trị, xã hội? Liệu vua có cố gắng tìm lối thoát không? Hay là nhà tiên tri với sứ điệp không phải là kết quả từ sự phân tích sắc sảo tình hình hiện tại, mà là từ niềm tin không chao đảo rằng đây là cơn thử thách đức tin? Chương này soi sáng thế nào về trách nhiệm cơ bản nhất của chúng ta như là những công dân Cơ Đốc đối với đất nước mình?

Cuối cùng là hình ảnh lờ mờ người bạn Phi châu của Giê-rê-mi (và ba mươi kẻ phụ giúp!) cùng chi tiết lạ thường về "giẻ cũ cùng áo sờn rách" (câu 12). Hành động của ông gợi nhớ lại câu Châm-ngôn nào về tình bạn?

Phải chăng đôi khi chúng ta cũng thấy khó nói thật, đặc biệt là khi có thể bị rắc rối như trường hợp Giê-rê-mi? Sự vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời có quan trọng nhất trong mọi giao tiếp của chúng ta, bất chấp hậu quả không?

Tôi có quan tâm làm đẹp lòng Đức Chúa Trời hơn loài người không? Điều này biểu lộ bằng cách nào?

Lạy Chúa, xin cho con can đảm để nói thật, ngay cả khi mọi người không muốn nghe. Xin cho con làm điều đó bằng tình yêu cùng sự thông cảm.

(c) 2024 svtk.net