Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Thờ Phượng Chung

Khải-huyền 5:11-14

"Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy" (Hê-bơ-rơ 10:25).

Câu hỏi suy ngẫm: Thờ phượng là gì? Thờ phượng là một hành động cá nhân hay là kết hợp của nhiều người? Thờ phượng chung có ý nghĩa gì?

Cựu Ước cho thấy thờ phượng là một việc làm chung của cả dân Chúa. Tân Ước khuyến khích con dân Chúa thờ phượng chung với nhau, đừng bỏ qua sự thờ phượng chung (Hê-bơ-rơ 10:25).

Trong Tân Ước chữ "thờ phượng," "leitourgia" có nghĩa là "phụng vụ chung hay sự thờ phượng của hội chúng." Chữ này là gốc của chữ "liturgy" trong tiếng Anh có nghĩa là giáo nghi là phần nghi lễ thờ phượng. Thờ phượng có lễ nghi đi theo một thứ tự cố định, còn thờ phượng tự do, không theo một nghi lễ cứng nhắc nào đó.

Trong khải tượng về sự thờ phượng ở thiên đàng, Giăng nhìn thấy "các sinh vật cùng các trưởng lão,.. hàng muôn hàng ngàn thiên sứ đồng nói lên một tiếng lớn rằng: Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!"

Ông cũng nghe "mọi vật dựng nên trên trời, dưới đất, bên dưới đất trên biển, cùng mọi vật ở đó đều nói rằng: Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời! Rồi bốn con sanh vật đều nói: A-men. Và các trưởng lão sấp mình xuống mà thờ lạy" (Khải-huyền 5:11-15).

Sự thờ phượng chung là một Lễ. Nó có thứ tự, có lễ nghi - liturgy qua những hành động chung của mọi người thờ phượng. Dù là người hướng dẫn chương trình, hay ban hát hay mục sư giảng luận, tất cả đều cùng "làm" việc phụng vụ, đều cùng thờ phượng với nhau. Trong một Lễ Thờ Phượng chúng ta thấy tất cả cùng hát tôn vinh Đức Chúa Trời bài "Chúc cho Đấng Ngồi Trên Ngôi." Tất cả cùng đọc đối đáp Thi-thiên, đọc bài Cầu Nguyện Chung và Bài Tín Điều Các Sứ Đồ, và tất cả cùng hát những bài thánh ca. Ai cũng có thể đứng lên chia sẻ vui buồn, nói điều mình muốn tạ ơn hay vấn đề xin cầu nguyện, hay thầm nguyện cho những điều này. Ngay cả trong phần giảng luận, dù hội chúng chỉ nghe; nhưng lắng nghe cũng là một đáp ứng trong sự thờ phượng.

Có một số Hội Thánh có truyền thống hội chúng đáp ứng lời mục sư giảng bằng cách cùng nói: "Amen!" Các tín hữu khác thì gật đầu bày tỏ sự đồng ý với những gì mục sư chia sẻ. Đáp ứng của tín hữu trong sự thờ phượng (liturgical responses) là những phản ứng tự động. Tín hữu không được yêu cầu phải nói "A-men!" hay "Ha-lê-lu-gia!" lúc nào, nhưng họ đáp ứng bởi sự cảm động khi họ lắng nghe.

Mọi người hiện diện đều tham dự trong sự thờ phượng. Mục sư không phải là diễn viên chính của "màn" thờ phượng. Hội chúng không phải là khán giả. Người hướng dẫn, ban hát và mục sư đứng phía trên không phải là những người trình diễn cho hội chúng xem rồi khen hay. Chúng ta cần loại bỏ quan niệm nguy hại đi nhà thờ để nghe ban hát hát hay mục sư giảng còn mình ngồi dưới làm khán giả. Tất cả những hành động trong sự thờ phượng của chúng ta là chúng ta cùng làm cho Đức Chúa Trời xem. Ngài mới thật là khán giả!

Chúng ta cũng có những khán giả khác - là những người chưa kinh nghiệm tình yêu của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ. Nếu họ là thân hữu được mời đến dự , và họ nhìn thấy chúng ta thật sự tham dự trong sự thờ phượng và được thay đổi bởi sự thờ phượng, họ có thể bắt đầu kinh nghiệm một ít những gì chúng ta đang kinh nghiệm.

Tôi hòa vào sự thờ phượng Chúa với Hội Thánh cách nào?

Xin Chúa giúp con không bỏ qua sự thờ phượng và luôn tham gia vào sự thờ phượng Ngài với các anh chị em cùng đức tin.

(c) 2024 svtk.net