Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 28

Yêu Thương và Trừng Phạt

Khải-huyền 16:1-21

"Lạy Chúa, là Đức Chúa Trời Toàn Năng, những sự đoán xét của Ngài đều chân thật và công bình" (câu 7b).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua chương Kinh Thánh này, theo bạn, tại sao Đức Chúa Trời yêu thương lại đoán phạt con người nặng nề như vậy? Tình yêu và sự thạnh nộ có đi đôi với nhau được chăng? Tại sao trong sự trừng phạt đó con người vẫn không ăn năn mà còn phạm tội hơn nữa? Câu 15 nhắc nhở bạn điều gì?

Đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đọc hôm nay trực tiếp nói về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Đây là chỗ khiến chúng ta nên bối rối khi nghĩ về bản tính của Đức Chúa Trời. I Giăng 4:8, 16 cho biết rằng "Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Và mọi vật được Đức Chúa Trời dựng nên theo hình tượng của Ngài, được đối xử bằng lòng nhân ái và trọng vọng." Sự đoán phạt nói trong đoạn này là hậu quả tất nhiên cho bản chất tội lỗi của loài người thôi. Nếu ai từng có những hành vi độc ác, gian trá, sát hại các thánh đồ mà rồi được bình an vô sự thì hóa ra Đức Chúa Trời bỏ qua và khuyến khích tội ác và bỏ mặc các nạn nhân hay sao? Nếu tội lỗi được tự do hoành hành không gặp phải một sự đoán phạt nào thì ta nghĩ sao về đức công bình của Đức Chúa Trời?

Chính vì lòng yêu thương mà Đức Chúa Trời phải đoán xét con thú cùng kẻ thờ phượng nó. Cả môi trường sống chung quanh cũng phải chịu ảnh hưởng lây do sự đoán phạt. Đất đai, biển cả, sông hồ đều phải chịu hình phạt. Thiên sứ xác nhận sự đoán phạt này là phải lẽ (câu 5). Bàn thờ cũng đồng thanh với thiên sứ cho rằng sự đoán phạt là thích đáng (câu 7). Thật không có sự đoán phạt nào thích đáng cho những kẻ đã bách hại các thánh đồ công chính, không phương tiện tự vệ. Đức Chúa Trời ở cùng với các nạn nhân vô tội. Ngài chậm giận mà giàu tình thương. Ngay khi đoán phạt, Ngài vẫn mở đường và khuyến khích những kẻ phạm thượng với Chúa nhân cuộc đoán xét phải ăn năn đổi lòng. Nhưng chúng vẫn không hối cải mặc dù phải chịu đau đớn đến cắn lưỡi (câu 11, 12).

Tội ác có khả năng lan truyền rất nhanh và rất rộng nhưng nó không phải là trường cửu, cũng không phải là kẻ chiến thắng. Để có thêm sức mạnh, nó luôn luôn liên kết với con rồng, con thú, và các giáo sư giả (câu 13) để tiến hành các công việc gian giảo của nó hầu chống lại Đức Chúa Trời. Nó tập hợp các vua chúa của thế gian lại để chống Đức Chúa Trời dù rằng các vua chúa thế gian ấy chỉ là vô quyền hoặc tạm bợ. Dĩ nhiên đó là một chương trình hư không nhưng nó cứ miệt mài theo đuổi. Chúng ta phải luôn nhớ rằng các hình ảnh trong đoạn này, và trọn sách Khải-huyền đều là khải tượng, biểu tượng, hoặc hình bóng. Các vương quốc thế tục có thể là hình bóng cho quyền năng thuộc linh. Tín hữu ở mọi lứa tuổi đều có thể là nạn nhân của các vụ lừa dối, phỉnh phờ của liên minh tội ác. Ai đi theo hoặc thỏa hiệp với liên minh ấy thì sẽ được chúng ưu đãi, chiều chuộng nhưng rốt cuộc sẽ phải trả một cái giá cao khó tưởng tượng nỗi. Thỏa hiệp với chúng chỉ giúp tăng cường quyền năng của con thú, con rồng, nhưng lại khiến ta sa vào cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời.

Vì lẽ trên mà Sứ đồ Giăng, tác giả sách Khải-huyền, đã nghiêm chỉnh cảnh cáo cộng đồng dân Chúa phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt trước cám dỗ của tội ác. Bước theo Đấng Christ là một hành động liên tục thường ngày. Đi với Chúa, chúng ta không cần mang theo hành lý gì. Hễ thấy ai sa vào lưới con thú thì ta sẵn sàng cứu ngay. Chỉ thờ phượng một mình Chiên Con đã bị giết và đã phục sinh. Hãy đặt đời sống mình vào tay Đức Chúa Trời. Nói như vậy thì dễ nhưng làm thì khó nhưng đã có Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đang ngày đêm can thiệp cho ta. Đức Thánh Linh hằng ở với chúng ta; đó là phước hạnh lớn của chúng ta là những kẻ được Đức Chúa Trời ban phước quá nhiều, thế gian thèm muốn như ta mà chẳng được (Phục-truyền Luật-lệ Ký Luật Lệ Ký 33:29).

Trước cám dỗ của tội ác, tôi phải làm gì để không bị thuyết phục, lôi cuốn?

Đức Chúa Trời ôi, xin giúp con trở thành một chứng nhân trung thành cho Chúa. Con nguyện trung tín với Ngài cho đến chết.

(c) 2024 svtk.net