Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Không Uổng Phí

Giăng 21:1-14

"Đức Chúa Giê-xu lại gần, lấy bánh cho môn đệ, và cho luôn cá nữa" (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Sau một đêm làm việc mệt nhọc, khi lên bờ, các môn đệ thấy gì (câu 9)? Chúa gọi họ đến làm gì? Tại sao họ cần ngồi lại, ăn với nhau? Bạn đặt cho mình kỷ luật ăn uống, nghỉ ngơi thế nào? Sự nghỉ ngơi đem lại ích lợi nào cho chính bạn, cho người chung quanh, cho môi trường sống của bạn?

Nhiều người xem thường nghỉ ngơi, sợ nghỉ ngơi, không dám nghỉ ngơi, hay là xem thì giờ nghỉ ngơi như là phí phạm cần phải tránh, phải giảm thiểu. Lý do là vì chúng ta sợ thua sút người khác, sợ bị bỏ rơi trên cuộc chạy đua tranh sống hằng ngày. Con cái, tôi tớ Chúa còn có lý do khác nữa mà không dám nghỉ ngơi, ấy là chúng ta sợ trở thành người lười biếng, không tận hiến cho Chúa. Vì lẽ đó mà nhiều người làm việc ban ngày chưa đủ, nên phải tranh thủ làm thêm ban đêm, và làm thêm cả Chúa Nhật nữa.

Kinh Thánh dạy con dân Chúa: "Hãy siêng năng, chớ làm biếng, phải có lòng sốt sắng, phải phục vụ Chúa" (Rô-ma 12:11). Tuy nhiên siêng năng, sốt sắng không có nghĩa là không nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi cũng là một phần quan trọng trong nếp sống của mọi người nói chung và của con dân Chúa nói riêng. Chúa thiết lập sự nghỉ ngơi không phải là uổng phí. Nghỉ ngơi có nhiều ích lợi.

1. Nghỉ ngơi cần thiết cho bản thân chúng ta. Trước hết nghỉ ngơi ích lợi cho thân thể chúng ta. Chúng ta thấy các máy móc dù làm bằng sắt, bằng thép mà còn hao mòn, không thể chạy hoài được. Người ta phải cho máy móc nghỉ ngơi để cho nguội máy, để tu bổ, để thêm dầu, thêm mỡ cho máy chạy trơn tru. Thân thể bằng xương, bằng thịt, mềm yếu chúng ta là một bộ máy tinh vi phức tạp hơn bất cứ máy móc nào con người có thể chế được. Khi làm việc thân thể chúng ta cũng bị hao mòn. Nó cần phải nghỉ ngơi để có thời gian bồi đắp, và thải ra những chất độc.

Nghỉ ngơi ích lợi cho tinh thần chúng ta. Khi phải làm việc, tiếp xúc với người khác, khi phải suy nghĩ, tính toán, hay khi phải trải qua những cảm xúc mạnh mẽ, tâm trí, tình cảm của chúng ta cũng bị hao tổn. Chúng ta cần nghỉ ngơi để hồi phục tinh thần của mình. Nghỉ ngơi cũng là cơ hội để bồi đắp những mối thân tình với những người xung quanh chúng ta nữa.

Nghỉ ngơi ích lợi cho tâm linh chúng ta. Chúng ta ai cũng phải bận rộn với cuộc sống. Thời gian nghỉ ngơi là cơ hội chúng ta hướng lòng đến với Chúa, gần gũi Ngài, để Ngài nuôi nấng tâm linh chúng ta.

2. Nghỉ ngơi cần thiết cho những người xung quanh chúng ta. Trong điều răn thứ năm, Chúa không chỉ dạy bản thân chúng ta phải nghỉ ngơi, mà chúng ta còn cần phải cho những người dưới quyền lãnh đạo của chúng ta như con cái, đầy tớ, v.v... cũng được nghỉ nữa. Đây là cách thể hiện tình thương và lòng nhân từ một cách cụ thể.

3. Nghỉ ngơi cần thiết cho môi sinh. Khi chúng ta nghỉ ngơi thì gia súc, ruộng vườn cũng được nghỉ ngơi. Chúa còn dạy người Do Thái hãy canh tác sáu năm, đến năm thứ bảy cho đất đai, ruộng vườn nghỉ ngơi (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:10-11). Đây là cách để giúp đỡ người nghèo, và cũng để cho môi sinh có thì giờ hồi phục lại. Có những nông gia ngày nay áp dụng nguyên tắc này. Họ chia đất làm nhiều lô, và luân canh, để cho mỗi năm có một lô được nghỉ ngơi. Khi làm như vậy thì các côn trùng trong đất sẽ có đủ thì giờ để làm cho đất màu mỡ trở lại.

Nghỉ ngơi không phải là uổng phí, nhưng là một nhu cầu cần thiết. Chúng ta cần tập nghỉ ngơi như một phần không thiếu được trong cuộc sống của mình.

Tôi có kỷ luật về nghỉ ngơi trong đời sống mình không? Tôi có áp dụng điều đó cho những người quanh tôi, và môi trường sống quanh tôi không.

Lạy Chúa, xin giúp con biết nghỉ ngơi đúng đắn để người và môi trường quanh con cũng được nghỉ ngơi, phục hồi.

(c) 2024 svtk.net