Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 6

Bị Đức Chúa Trời Lìa Bỏ

Ma-thi-ơ 27:45-56

"Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Giê-xu kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" (câu 46).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao cả xứ tối tăm mù mịt? Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng, Ngài kêu gì? Điều đó có nghĩa gì? Xin kể ba xự kiện quan trọng xảy ra ngay sau khi Chúa Giê-xu trút linh hồn? Ý nghĩa của các sự kiện này là gì? Vì sao thầy đội làm chứng rằng Chúa Giê-xu thật là Con Đức Chúa Trời? Ở trong Chúa Giê-xu, bạn kinh nghiệm như thế nào về Ngài? Bạn tuyên xưng Ngài như thế nào?

Sự tối tăm mù mịt khắp xứ là sự tối tăm siêu nhiên. Ở đây không có trường hợp nhật thực vì mùa Lễ Vượt Qua là nhằm kỳ trăng tròn. Đây là việc Đức Chúa Trời làm, Ngài bao trùm thập tự giá bằng sự tối tăm, tang tóc đang khi Con Một của Ngài gánh lấy tội lỗi của nhân thế và nếm trải sự thạnh nộ.

Có một sự khác biệt giữa việc chịu thay hình phạt và gánh lấy tội lỗi. Một người có thể chịu thay hình phạt của người khác, nhưng người đó không gánh lấy tội mà người khác phạm. Ở đây Chúa Giê-xu vừa chịu thay hình phạt và gánh lấy tội của toàn nhân loại đó là lý do Ngài kêu lên: "Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" Đây là một trong những câu nói gây sửng sốt nhất trong Kinh Thánh. Trong nhiều nhà thờ theo truyền thống, khi câu này được đọc lên trong dịp Lễ Thương Khó, các giáo đoàn đều quỳ xuống để bày sự tôn kính Đức Chúa Trời và sự kinh ngạc vô biên vì Đức Chúa Cha đã từ bỏ Ngôi Hai vì tội của nhân thế.

Trong sự tối tăm, Chúa Giê-xu hiểu rằng Ngài đang bị Cha Ngài từ bỏ. Chúa Giê-xu đã nói "Mọi việc Cha Ta đã giao cho Ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha" (câu 11:27). Điều này cho thấy rằng Ngài thật gần gũi và thân thiết với Cha Ngài, nên sự từ bỏ như thế là nỗi đau đớn tột cùng đối với Ngài. Rồi Ngài kêu một tiếng lớn nữa trước khi trút linh hồn: "Mọi sự đã được trọn" (Giăng 19:20) là tiếng kêu đắc thắng của Con Trời khi Ngài hoàn thành mục đích của Cha Ngài.

Có ba sự kiện lớn xảy ra ngay sau cái chết của Ngài. Màn của đền thờ bị xé ra làm hai nói lên rằng những nghi lễ phải thực hiện trong đền thờ và luật pháp chi phối những nghi lễ, và đền thờ cũ không còn dùng đến nữa. Chúa Giê-xu là Đền Thờ Mới, nơi gặp gỡ giữa Đức Chúa Trời và con người, huyết của Chúa Giê-xu đã mở một con đường mới dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời. Chính phép lạ này đã khiến cho nhiều thầy tế lễ tin Chúa Giê-xu sau này (Công-vụ các Sứ-đồ 6:7). Một trận động đất lớn khiến mồ mả mở ra cho thấy sự chết của Chúa Giê-xu đã chiến thắng sự chết (Hê-bơ-rơ 2:14-18). Các thánh tử đạo sống lại sau khi Chúa Giê-xu phục sinh và hiện ra cho nhiều người. Quả thật chính Ngài là Con Đức Chúa Trời như lời tuyên bố của viên sĩ quan La Mã (câu 54).

Trước nỗi thống khổ của Chúa Giê-xu khi Ngài bị Cha Ngài từ bỏ vì tội của chính tôi, tôi cảm nhận sự việc này thế nào? Tôi có dũng cảm tuyên xưng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời hay không?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì Ngài bị lìa bỏ để chọn con, tha thứ tội lỗi của con, để con được Ngài yêu thương và không bị Đức Chúa Trời lìa bỏ.

(c) 2024 svtk.net