Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 9

Dạy Trẻ Thơ

Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5-9

"Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo. Hầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó" (Châm-ngôn 22:6).

Câu hỏi suy ngẫm: Phân đoạn Kinh Thánh này có những mạng lịnh nào? Mỗi mạng lịnh này có ý nghĩa nào? Lời Chúa ở địa vị nào trong đời sống trước khi chúng ta dạy cho con cháu? Tại sao phải dạy con cháu biết Chúa, biết Lời Chúa? Bạn áp dụng những mạng lịnh này thế nào trong gia đình? Trong Hội Thánh?

Thiếu nhi là tương lai của đất nước và của Hội Thánh. Vì thế, các em cần được nuôi dưỡng đầy đủ để các em trưởng thành về mặt thể chất. Các em cũng cần được quan tâm dạy dỗ để có thể trưởng thành về mặt xã hội, tâm lý và tình cảm. Về mặt tâm linh, Đức Chúa Trời đã truyền chúng ta dạy Lời Ngài cho con em chúng ta ngay khi chúng còn thơ bé. Thế thì chúng ta sẽ dạy chúng như thế nào?

Trước khi dạy Lời Chúa cho con em, câu 5-6 là điều kiện Chúa đòi người đứng ra dạy – cha mẹ, người hướng dẫn phải có. Đời sống người dạy Lời Chúa phải là bức thư sống, để con cháu chúng ta đọc được những điều Chúa muốn dạy qua chúng ta. Trước khi nói về Chúa, về Lời Chúa cho người khác chúng ta phải yêu Chúa bằng trọn con người của mình, "hết lòng, hết ý, hêát sức," điều đó đòi hỏi ý chí, hành động nên những điều ta dạy không phải là lời nói suông mà là đức tin và sự vâng phục. Lúc ấy Lời Chúa chắc chắn được ghi khắc trong lòng chúng ta.

Các câu 7-9 là phương cách để chúng ta dạy Lời Chúa. Có rất nhiều cách và chúng ta có thể bắt đầu ngay khi các em ấu nhi học nói. Phụ huynh nên dạy cho các em học thuộc lòng các câu Kinh Thánh ngắn. Nhiều người đã làm như thế và đã đạt được những kết quả đầy khích lệ. Nhờ dạy như thế mà các em đã thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh và các em đã bắt đầu "giấu" Lời Chúa ở trong lòng. Khi các em lớn hơn, chúng ta cần giải thích cặn kẽ những câu Kinh Thánh mà chúng nằm lòng để chúng có thể áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Chúng ta cũng giúp cho các em biết rằng ai làm theo Lời Ngài sẽ được phước, đời sống của người đó ngày càng được tươi vui, bình an và phước hạnh hơn dù thuận cảnh hay nghịch cảnh. Khi Lời Chúa được ươm trồng trong đời sống như các câu 6-7 nêu, lớn lên các em sẽ bám chặt vào Lời Chúa mà không hề tẻ tách hay lui bước.

Việc giáo dục đạo đức và Kinh Thánh cho thiếu nhi được thực hiện cách hiệu quả nhất khi cha mẹ các em làm cho Đức Chúa Trời và Lời Ngài trở nên một sự sống tự nhiên trong cuộc sống thường nhật của một gia đình Cơ Đốc (câu 7). Đây là lời nhắc nhở chúng ta phải nói về những mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho con cái dù trong nhà hay ngoài đường. Từ "nói" còn có nghĩa sâu xa khác là sống vâng phục mạng lịnh của Đức Chúa Trời, dù chúng ta ở trong nhà hay bước ra bên ngoài xã hội. Nói cách khác là chúng ta "nói" với con cái bằng lối sống của chúng ta. Lối sống tin kính và vâng lời Đức Chúa Trời sẽ là cách nói đầy sức thuyết phục. Cách nói như thế chắc chắn sẽ tác động một cách sâu xa trên đời sống tâm linh của con cái, chẳng những khi chúng còn thơ bé, mà cả khi chúng đã trưởng thành. Hãy nhớ rằng, việc các em thiếu nhi tìm thấy những giá trị đời đời trong Lời Chúa và trân trọng giữ gìn những giá trị này là tuỳ thuộc vào những điều chúng ta "dạy" và "nói" với các em.

Tôi đã "nói" như thế nào về Đức Chúa Trời và Lời Ngài cho người khác, đặc biệt cho các em thiếu nhi?

Lạy Chúa, con cám ơn Ngài đã nhắc con về tầm quan trọng của việc nuôi dạy con trẻ, đặc biệt nuôi dưỡng về phần tâm linh. Xin giúp con sống tin kính để con cái con noi theo và không bao giờ lìa bỏ Ngài.

(c) 2024 svtk.net