Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Thầy của Chúng Ta

Mác 4:33-34; Giăng 1:35-42; Giăng 3:1-2

"Thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến" (Giăng 3:2a).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong đời thường, người thầy có trách nhiệm, sứ mạng gì? Giăng, "người dọn đường cho Chúa" luôn luôn giới thiệu về Chúa Giê-xu: "Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi," nhưng khi các môn đệ của Giăng gặp Chúa thì lại gọi Ngài là "thầy" tại sao? Sau khi ở lại với Chúa, họ xưng nhận thế nào về vị thầy họ gặp? Ni-cô-đem tuyên xưng Chúa Giê-xu là ai? Điều này có nghĩa gì? Mác 4:33-34 cho thấy cách Chúa Giê-xu dạy thế nào? Bạn học được điều gì qua cương vị, và cách dạy của Chúa Giê-xu? Bạn áp dụng phương pháp giảng dạy của Chúa Giê-xu như thế nào vào đời sống thường ngày?

Đối với người Việt, thầy cô giáo được tôn kính đặc biệt vì là người khai thông, khải tỏ cho chúng ta một chân trời mới trong đời sống, xã hội, tri thức... Với sứ mạng cao cả đó dù người học trò có học nửa chữ hay một chữ cũng phải tôn kính thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Ngày nay vị thế của người thầy bị xem nhẹ khá nhiều, thật đáng buồn! Nhưng chúng ta có một vị thầy đáng tôn kính, vị thầy mà địa vị cao trọng không hề bị thời gian, hay hoàn cảnh hay bất cứ điều gì có thể làm phai mờ về những điều thầy giảng dạy và về cả đời sống của thầy: Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Đọc qua cả bốn sách Phúc Âm, nếu chúng ta chỉ nghiên cứu, tìm hiểu về vị thế, vai trò của người thầy, hay phương pháp giáo dục truyền đạt của Chúa Giê-xu cũng phải vài ba mươi quyển sách cùng không đủ để nói về "thầy Giê-xu." Từ những cách Chúa giảng dạy dân chúng, các môn đệ, cả đến những cá nhân như Ni-cô-đem, người đàn bà Sa-ma-ri... không ai có thể chối bỏ vị thế thầy của Chúa Giê-xu. Thông thường Chúa dùng những hình ảnh quen thuộc như lưới cá, cây nho, cây đèn..., sự kiệân ngay trước mắt như người gieo giống, người buôn châu ngọc, người con trai hoang đàng... để dạy "sống đạo" hay những điều cao trọng của nước trời. "Thầy Giê-xu" không khoa trương về những kiến thức thâm sâu từ trời cao mà Ngài tìm mọi cách truyền đạt, khai thông tâm trí, sự hiểu biết của mọi người để hiểu được điều Ngài dạy, và với các môn đệ, những người sẽ tiếp tục chức vụ "dạy dỗ muôn dân," Ngài dành thêm thì giờ dạy bảo để họ rõ hơn sứ điệp của Ngài (Mác 4:33-34).

Chúa Giê-xu vào trần gian để hy sinh chính mạng sống Ngài làm giá chuộc mọi người. Là người dọn đường cho Chúa, nên Giăng Báp-tít luôn luôn giới thiệu với mọi người và cả với môn đệ của ông về Chúa Giê-xu: "Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi" – lời giới thiệu đó khiếân môn đệ của ông đi theo Chúa. Họ đến cùng Chúa với sự tôn kính của người học trò, với hy vọng của người tìm cầu sự tri thức nơi bậc hiền triết – họ xưng Chúa là "ra-bi- thầy." Chúa Giê-xu biết điều những người học trò này cần cho đời sống của họ nên Ngài mời họ đến thăm chỗ ở của Ngài (Giăng 1:39). Ở với Chúa, chuyện trò với Ngài, không những tâm trí họ được khai thông mà cả đời sống họ cũng được thay đổi. Sau đó, Anh-rê không giới thiệu với anh Si-môn là mình đã gặp Thầy Giê-xu mà đã gặp Đấng Mết-si-a, và mời anh đến gặp Ngài. Ni-cô-đem, một thầy Pha-ri-si thường nghe Chúa Giê-xu giảng dạy, từng chứùng kiến phép lạ Ngài làm đã xác nhận: "Thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến" (Giăng 3:2). Vị giáo sư từ trời đã giảng dạy và đem sự sinh lại, tái sinh cho cuộc đời Ni-cô-đem để ông trở nên môn đệ của Ngài (Giăng 19:39). Chỉ một mình Thầy Giê-xu mới dạy, khai thông, thay đổi tâm linh mà chúng ta cần.

Các sách Phúc Âm không những đã ghi lại cho chúng ta những lời dạy của Thầy Giê-xu mà còn cho chúng ta những phương cách để dạy dỗ trong gia đình, Hội Thánh và vẽ lại, tả lại cuộc đời của Ngài làm gương mẫu cho chúng ta sống mỗi ngày.

Chúa Giê-xu có là Thầy của tôi không? Là học trò tôi nghe và vâng theo, noi gương Thầy như thế nào?

Cảm tạ Chúa, cho con được làm học trò của giáo sư từ Đức Chúa Trời, cho con có Lời Sống của Ngài để sốâng có mục đích và ý nghĩa trong đời sống mỗi ngày.

(c) 2024 svtk.net