Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Nước Lụt

Sáng-thế Ký 7:1-24

"Mọi người ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng, cùng loài chim trời, chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu mà thôi" (câu 23).

Câu hỏi suy ngẫm: Nước lụt xảy ra khi nào và như thế nào? Có bao nhiêu người thoát khỏi cơn nước lụt? Họ là ai và là những người như thế nào? Có người ví sánh tàu Nô-ê giống như thập tự giá của Chúa Giê-xu, Bạn nghĩ thế nào? Vì sao?

Vạn vật luôn thuộc về Đức Chúa Trời bởi vì Ngài đã dựng nên tất cả. Ngài gìn giữ công trình sáng tạo của Ngài như một người thợ gốm nâng niu chiếc bình gốm trên bàn xoay và tiếp tục công việc cho đến khi có được chiếc bình hoàn hảo (Giê-rê-mi 18:1-10).

Đức Chúa Trời không những là Đấng Tạo Hóa mà còn là Đấng Cứu Chuộc. Vũ trụ không phải là một cấu trúc cứng nhắc và bất động, vì Đức Chúa Trời làm cho vũ trụ luôn đổi mới và sinh động. Không phải chỉ cho đến khi chung kết đời, nhưng trong lịch sử, Ngài đang "làm mới lại hết thảy muôn vật" (Khải-huyền 21:5). Phá vỡ và tái tạo, chết và phục sinh là cách Đức Chúa Trời sử dụng để cứu chuộc và làm mới lại công trình sáng tạo trên đất. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng Đức Chúa Trời không hề vui khi thấy loài người phạm tội (Sáng Thế 6:6) và bị diệt mất. Chắc chắn Ngài vui khi làm một điều gì đó, như là thổi sự sống vào thân thể bằng bụi đất của con người (Sáng Thế 1:28) hay dẫn dắt và che chở con tàu Nô-ê an toàn trong nước lụt. Phân đoạn này cho thấy Đức Chúa Trời đoán phạt kẻ ác bằng hình phạt nghiêm khắc để khởi tạo sự sống mới bằng giao ước thờ phượng. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại dùng nước lụt để tận diệt? Thứ nhất, Ngài có quyền trên mọi tạo vật, Ngài có cách của Ngài. Thứ hai, nước lụt là phương tiện hữu hiệu mà Đức Chúa Trời dùng để thanh tẩy thế giới gian ác. Thứ ba, nước lụt được Đức Chúa Trời sử dụng để bắt đầu một thế hệ mới, một thế hệ thờ phượng Ngài. Câu chuyện về nước lụt cho thấy Đức Chúa Trời ghét tội lỗi, và nếu loài người xem nhẹ ân sủng của Ngài họ không thể tránh khỏi hình phạt.

Con tàu Nô-ê đã vượt lên trên những dòng nước của sự hủy diệt. Các sinh vật được cứu vì đã theo Nô-ê vào tàu. Còn Nô-ê được cứu vì vâng lời Đức Chúa Trời. Nô-ê đã đưa các sinh vật trong tàu đến nơi an toàn. Trong thời gian lênh đênh trên sóng nước, ông đã chăm sóc những sinh vật trong tàu. Đây không phải là một công việc dễ dàng bởi đây là công việc của một người quản gia trung tín.

Khi mưa bắt đầu trút xuống, các nguồn nước trên trời cao đổ xuống, các giống loài động vật theo Nô-ê vào tàu cho thấy đặc ân cứu rỗi mà Đức Chúa Trời dành cho Nô-ê và gia đình ông. Chỉ đến khi kết thúc chương này, khi mà con tàu nằm trên các đỉnh núi cao, tác giả mới nói đến những người đã không chịu vào tàu khi nước lụt xảy đến (câu 21-23). Số phận của họ ra sao? Tất cả đều bị nhận chìm dưới dòng nước lụt. Chỉ mỗi gia đình Nô-ê còn sống vì ông đã làm theo lời Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rất rõ rằng chỉ có những người "làm y theo lời Đức Chúa Trời phán dặn" như Nô-ê (câu 9, 16) mới sống.

Vâng lời Chúa là con đường dẫn đến sự cứu rỗi. Tôi có vâng theo mọi lời Chúa phán dặn không?

Lạy Chúa, cảm tạ Ngài vì dưới cánh tay che chở của Ngài mà con luôn được an lành trong mọi nguy biến. Xin giúp con luôn tin cậy và vâng lời Ngài.

(c) 2024 svtk.net