Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Tin Kính và Thỏa Lòng

I Ti-mô-thê 6:3-10

"Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn" (câu 6).

Câu hỏi suy ngẫm: Xin bạn vui lòng mô tả đặc điểm của những người gây rối trong Hội Thánh (câu 4, 5). Sống tin kính và thỏa lòng đem lại những lợi ích nào? Sự tham tiền bạc dẫn đến những tai hại nào? Bạn làm gì để giúp cho các thành viên trong Hội Thánh cũng như chính bạn ngày càng thêm tin kính và thỏa lòng?

Trong phân đoạn này, Sứ đồ Phao-lô nói đến những người gây rối trong Hội Thánh; họ là những người có bịnh thuộc linh, dù không biết gì hết nhưng muốn trở thành những người quan trọng trong Hội Thánh. Thật là một mối nguy nếu như Hội Thánh địa phương nào có những người như vậy. Họ không hề quan tâm đến sự tin kính, nhưng chỉ là những người lừa dối bởi sự kiêu ngạo của họ nên hay gạn hỏi, cãi lẫy, gièm chê, gây ra sự ghen ghét, tranh cạnh, nghi ngờ xấu xa, họ chỉ quan tâm đến quyền lợi bản thân của họ (câu 3-5). Câu 4 nhắc chúng ta nhớ đến những người được đề cập đến trong 1:6-7. Mục đích những lời giáo huấn của Phao-lô là tình yêu thương được bày tỏ trong nếp sống tin kính Đức Chúa Trời. Nếp sống này hoàn toàn khác xa với lối sống háo danh và tham tiền cũng như tự cao tự đại.

Ở đây sự tin kính và thỏa lòng sẽ mang đến cho chúng ta những ích lợi lớn lao. Khi chúng ta sống đơn giản, không tham tiền và bằng lòng với những gì mình có, chúng ta sẽ tận hưởng sự bình an, niềm vui của đời sống. Khi không thỏa lòng, con người dễ bực bội, phàn nàn, thèm khát những gì người khác có mà trở nên lo âu, ganh tị... Dĩ nhiên, sống tin kính và thỏa lòng sẽ không hề làm mai một những hoài bão hoặc những khải tượng của chúng ta. Sự tin kính đem lại sự vui mừng, bình an và hy vọng mà tiền bạc không thể mua được. Người thỏa lòng là người làm chủ điều mình có và vui lòng với mọi thứ được Chúa ban cho. Sự tin kính và thỏa lòng khiến chúng ta luôn hướng đến Chúa, còn sự tham tiền chỉ khiến chúng ta nghĩ đến bản thân mình.

Trong hai thập niên qua, nhiều Hội Thánh đã gặp rắc rối, đặc biệt là những vụ tai tiếng liên quan đến tiền bạc, bởi vì lãnh đạo Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc gia tăng số lượng tín hữu và uy tín cá nhân nhưng lại xao lãng trong đời sống tin kính của chính họ cũng như của các tín hữu. Phao-lô đã thẳng thắn nói đến điều này trong thư gửi cho Ti-mô-thê.

Câu 10 không có ý dạy rằng tiền bạc là căn nguyên của tội lỗi, nhưng muốn nói rằng sự tham lam là gốc rễ của mọi điều ác. Chúa Giê-xu gọi tiền là "của bất nghĩa" (Lu-ca 16:9, 11). Phao-lô khuyên chúng ta đừng "ham tiền bạc" (I Ti-mô-thê 3:3). Tiền bạc có thể được đầu tư vào cõi vĩnh hằng qua những cách đưa người hư mất đến với Chúa Giê-xu, hoặc có thể đưa nhiều người thẳng xuống nơi khổ hình đời đời khi họ xem nó là thần tượng của họ.

Điều nào trong đời sống khiếân tôi chưa thỏa lòng? Làm sao để tôi luôn sống trong sự tin kính và thỏa lòng?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn sống tin kính và thỏa lòng. Xin cứu con khỏi tội tham lam và bất cứ điều gì khiến cho con xa lìa Ngài.

(c) 2024 svtk.net