Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Đức Chúa Trời Là Đấng Giải Cứu

Thi-thiên 17:1-15

"Lạy Đấng dùng tay hữu cứu kẻ nương náu mình nơi Ngài khỏi những kẻ dấy nghịch cùng họ. Xin hãy tỏ ra sự nhân từ lạ lùng của Ngài" (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi bị hàm oan Đa-vít kêu cầu cùng ai? Vì sao ông dám nói rằng Chúa đã dò xét lòng ông và chẳng tìm thấy điều ác nào? Phải chăng ông cậy nơi sự công chính riêng của ông? Đa-vít hàm ý gì khi nói rằng "tôi sẽ thỏa nguyện nhìn xem hình dạng của Chúa?" Bạn có vui mừng, thỏa nguyện khi sống trong tình thương và sự chăm sóc của Chúa không?

Đây là lời cầu nguyện của một người vô tội bị kẻ thù cáo buộc một cách vô cớ. Tác giả kêu cầu Đức Chúa Trời binh vực và giải cứu ông khỏi những kẻ ác rắp tâm hãm hại ông. Trong lịch sử đầy dẫy những trường hợp mà công lý chỉ là vật trang sức hay chỉ là công lý của kẻ mạnh. Vì thế giống như Đa-vít, đôi lúc người theo Chúa phải bị hàm oan. Những lúc như vậy, chỗ chúng ta nương cậy không phải là công lý của loài người, mà nơi Đức Chúa Trời là Đấng binh vực và giải cứu chúng ta.

Trong các câu 1-5, tác giả quả quyết nơi sự vô tội của ông. Ông khẳng định rằng ông lưu tâm đến việc tuân giữ Lời Đức Chúa Trời và bước đi trong đường lối của Ngài. Vì thế, ông không hề sợ hoặc e ngại khi kêu gọi Đức Chúa Trời tra xét ông để xem có lối ác nào chăng. Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm rằng đây là lời của một người cậy sự công bình riêng để khẳng định rằng mình hoàn toàn vô tội. Đa-vít không có ý nói như thế. Điều ông muốn nói là ông không hề phạm các tội ác mà kẻ thù đang khăng khăng cáo buộc ông. Vì thế ông cậy vào sự nhân từ của Đức Chúa Trời xin Ngài giải cứu ông. Một lần nữa, ông nói Ngài là nơi chốn nương thân của ông. Ngài là chỗ nương thân cho những người bị áp bức, hàm oan, mồ côi, góa bụa, nghèo khổ, khốn cùng. Ngài là chỗ nương thân cho những ai chạy đến và tìm cầu Ngài.

Ngôn ngữ trong câu 6-8 phản ánh một phần ý nghĩa của hai bài hát trong Cựu Ước ca ngợi sự giải cứu người Ít-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Câu 7 lập lại ý Bài Ca của Biển (Xuất Ê-díp-tô 15:11-13). Câu 8 sử dụng hình ảnh từ Bài Ca của Môi-se (Phục Truyền 32:10-11). Việc nhớ lại những điều Đức Chúa Trời làm trong Xuất Ai Cập nhằm đáp lời kêu van của dân chúng giúp Đa-vít tin cậy rằng Ngài cũng sẽ nghe và đáp lại lời cầu nguyện của kẻ bị áp bức như ông. Việc giải cứu người bị áp bức thường đi đôi với sự đoán phạt. Ông mô tả kẻ thù như những con sư tử rình mồi và kêu gọi Đức Chúa Trời dùng gươm Ngài đánh đuổi chúng (câu 12-13). Đa-vít hiểu rõ rằng Đức Chúa Trời rất nhân từ, vì thế ông kết thúc lời nguyện cầu bằng cách xác nhận ông là người được phước; ông thỏa nguyện và tin cậy nơi tình yêu thương và sự chăm sóc của Chúa đối với mọi người nói chung và riêng đối với bản thân ông.

Lạy Chúa, con thật vui mừng vì Ngài không bao giờ lìa bỏ con. Trong những lúc sầu khổ, con kêu cầu Ngài luôn nghe và đáp lời cầu nguyện của con.

(c) 2024 svtk.net