Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Sự Khôn Ngoan Thật

I Cô-rinh-tô 1:18-25

"Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy" (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Trọng điểm của phân đoạn này là gì? Người Do Thái, người La Mã và Hy Lạp nhìn về thập tự giá như thế nào? Phao-lô nhìn thấy gì nơi thập tự giá? Đối với bạn Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự có ý nghĩa gì? Bạn có rao giảng về thập tự giá không?

Phân đoạn hôm nay đề cập đến sự tương phản thật rõ ràng giữa sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của con người. Đề tài này được Phao-lô tiếp tục triển khai trong bốn phân đoạn sau đó (1:25; 2:5; 2:6, 7; 2:13;3:18,19; 4:10).

Theo Phao-lô, dù vận dụng tất cả sự khôn ngoan của con người, thế gian chẳng thể nào có thể tìm thấy Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi. Mặc dù ngày nay nhân loại đạt đến mức kỷ lục trong sự hiểu biết về nhiều vấn đề, nhưng trong lãnh vực thuộc linh, sự hiểu biết và sự khôn ngoan của con người thật nông cạn. Đó là lý do tại sao kế hoạch vô cùng khôn ngoan và độc đáo của Đức Chúa Trời dành cho loài người lại bị thế gian xem là dại dột.

Đối với Phao-lô, theo mục đích khôn ngoan của Đức Chúa Trời, con người không thể cậy sự khôn ngoan trong triết học và tôn giáo của họ để đi đến chỗ nhận biết Đức Chúa Trời (câu 21). Điều này không có nghĩa bác bỏ sự thật là con người vốn có sự hiểu biết chừng mực nào đó về Đức Chúa Trời qua việc quan sát vũ trụ là công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Nhưng Phao-lô chỉ muốn nói rằng Đức Chúa Trời đã dùng một phương cách mà theo thế gian là dại dột để cứu tội nhân, đó là rao giảng về thập tự giá (câu 18).

Nhiệm vụ của Phao-lô là rao giảng về Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. Đối với những người Do Thái chưa được cứu, sứ điệp về Đấng Christ bị đóng đinh là một "hòn đá vấp chân" và là một sự xúc phạm, bởi vì họ đang mong đợi một vị lãnh tụ chính trị giải phóng họ khỏi sự áp bức của người La Mã. Họ xem thập tự giá là sự "rồ dại", bởi vì đối với họ một phương tiện hành hình các tội phạm không thể nào đem lại giải pháp cứu chuộc mà họ đang tìm kiếm. Hơn nữa, người La Mã và Hy Lạp xem một người bị đóng đinh trên cây thập tự là một tội nhân thấp hèn hơn hết. Một người như thế thì làm thế nào có thể xem là một Cứu Chúa. Một khó khăn nữa mà người Hy Lạp vấp phải là họ không thể tin rằng thần linh có thể thành nhục thể để chuộc tội cho con người.

Để chứng tỏ triết học của người Hy Lạp là hư không, cái nhìn của người La Mã là sai lầm và sự trông đợi của người Do Thái là vô vọng, Phao lô dùng phép ngoa dụ nghịch lý để giới thiệu về sự khôn ngoan không thể dò lường của Đức Chúa Trời. Khi nói rằng Đức Chúa Trời "rồ dại" và "yếu đuối" (câu 25), ông hàm ý rằng những cái nhỏ nhất hay những ý tưởng đơn giản nhất của Đức Chúa Trời có giá trị hơn tất cả các kế hoạch khôn ngoan và các tư tuởng vĩ đại của loài người cộng lại.

Tôi đang rao giảng điều gì? Từ đâu tôi có thể tìm thấy sự khôn ngoan thật? "Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho" (Gia-cơ 1:5).

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan và giúp con trung tín rao giảng về Đấng treo thân trên cây thập tự dù con phải bị bắt bớ hay cho là dại dột.

(c) 2024 svtk.net