Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 3

Cẩn Thận Khi Tra Tay Cầm Cày

Lu-ca 9:46-62

“Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (câu 62).

Câu hỏi suy ngẫm: Các môn đệ bàn luận với nhau điều gì? Vì sao? Chúa Giê-xu dùng một đứa trẻ để dạy họ điều gì? Theo bạn làm thế nào để không chệch bước hay sao lãng đang khi phục sự Chúa?

Dù trước đó Chúa Giê-xu đã đề cập đến sự chịu khổ của Ngài (câu 44) nhưng dường như các môn đệ không nắm bắt được những hàm ý sâu xa trong lời Ngài. Họ không hề hiểu rằng sứ mạng của Chúa Giê-xu là trở thành Người Đầy Tớ Chịu Khổ vì tội lỗi của nhân loại. Họ vẫn nghĩ rằng Đấng Mết-si-a sẽ là Đấng chiến thắng về mặt quân sự lẫn chính trị. Khi Ngài chiến thắng thì vị trí của họ trong chính thể mới do Chúa Giê-xu lãnh đạo sẽ rất quan trọng, vì thế họ đã sôi nổi bàn cãi với nhau để xem ai là lớn hơn hết vào lúc đó. Trong tâm trí họ, tất cả đều sẽ trở nên những nhân vật quan trọng sau này nhưng họ quên nghĩ đến những người tầm thường, chẳng có địa vị gì trong xã hội. Vì thế Chúa Giê-xu đã dùng một đứa bé để nhắc nhở họ rằng ai quan tâm đến những con người hèn mọn thì trong mắt Chúa người đó thật “là kẻ cao trọng” (câu 47).

Điều chúng ta học được ở đây là với tư cách những người yêu Chúa, và mục tiêu của Cơ Đốc nhân không phải là tranh nhau để có một chỗ đứng càng cao càng tốt trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Điều Chúa Giê-xu muốn chúng ta làm là đồng cảm và tiếp nhận những con người cùng khốn, thấp hèn bị xã hội ruồng bỏ, coi khinh; rước mời họ vào vương quốc của Ngài và phục vụ họ. Vì ai tiếp đón và phục vụ những người như thế là tiếp đón và phục vụ Chúa Giê-xu.

Cuối phân đoạn này là ba mẩu đối thoại ngắn gọn, mỗi mẩu đối thoại liên quan đến một vài thuật ngữ thần học như “Con người” (câu 58), “rao giảng nước Đức Chúa Trời” (câu 60) và “xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (câu 62). Mẩu đối thoại cuối cùng đề cập đến cách Cơ Đốc nhân phục vụ Đức Chúa Trời. Người thợ cày khi xưa vừa phải chăm nhìn vào một cột mốc ở cuối cánh đồng, vừa điều khiển lưỡi cày một cách khéo léo để giữ cho các luống cày được ngay thẳng. Khi thợ cày “nhìn lại phía sau” vừa làm mất thì giờ, vừa làm sai lệch luống cày, và có thể bị những cám dỗ lay động mà bỏ dở công việc. Cũng vậy, để không nhìn lại phía sau, không sao lãng trong công việc, người phục vụ Chúa phải chăm nhìn Chúa Giê-xu và noi gương Ngài.

Tôi có sao lãng đang khi làm việc trong công trường thuộc linh không?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn chăm nhìn Ngài và không tỏ ra lơ là trong công việc Ngài giao phó cho con.

(c) 2024 svtk.net