Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Sự Thống Khổ của Đấng Cứu Thế

Thi-thiên 22:1-31

“Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi? (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Thi-thiên này tả về “Thống Khổ Nhân,” bạn nghĩ Đa-vít đang nói về ai? Có những chi tiết nào trong Thi-thiên này ứng với câu chuyện về thập tự giá? Bạn đang sống trong sự sầu não, tuyệt vọng và thất bại hay vui mừng, hy vọng và thành công trong Chúa Giê-xu? Bạn có tìm thấy lý do nào để bạn lớn tiếng ngợi khen cảm tạ Đức Chúa Trời trong ngày hôm nay cũng như trọn đời bạn không?

Khi suy gẫm và luận bàn về Thi-thiên này, một số học giả Kinh Thánh cho rằng không có biến cố nào trong cuộc đời của Đa-vít phù hợp với những chi tiết trong Thi-thiên này. Những điều mà tác giả mô tả ở đây đề cập đến nhục hình mà một người phải chịu cho đến chết, chứ không phải là bịnh tật hay chết do già nua như Đa-vít (I Các Vua 2:10). Sự nhục hình mà nhân vật chính ở đây phải chịu phù hợp với việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự hơn là kinh nghiệm đau khổ mà Đa-vít đã từng trải. Các tác giả Phúc Âm cũng nhìn thấy sự liên quan giữa những lời trong Thi-thiên này (câu 8, 16, 18) với các sự kiện trong sự chịu khổ của Đấng Christ.

Nếu lưu ý chúng ta có thể thấy những điểm tương đồng giữa Thi-thiên này với câu chuyện về thập tự giá của Chúa Giê-xu. Chẳng hạn, Hê-bơ-rơ 2:12 cũng được trích dẫn từ câu 22:22. Hay trong câu 1 tác giả than rằng “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Đây là những lời mà Chúa Giê-xu nói khi Ngài bị treo trên cây thập tự (Ma-thi-ơ 27:46; Mác 15:34). Hoặc “Chúng nó đâm lủng tay và chân tôi” (câu 16, Ma-thi-ơ 27:35); “Chúng nó chia nhau áo xống tôi; Bắt thăm về áo dài tôi” (câu 18; Giăng 19:23-24). Đa-vít dùng thi ca để nói lên sự đau khổ của “Thống Khổ Nhân” đó chính là sự thống khổ mà Chúa Giê-xu phải chịu dưới tay kẻ thù Ngài. Nên Thi-thiên này cũng là một trong những lời tiên tri của Đa-vít. Thi-thiên này cũng cho chúng ta thấy rằng trong nỗi thống khổ của mình như khi đối diện với bịnh tật, cô đơn, cái chết... thì Chúa Cứu Thế đã trải nghiệm mọi mặt để chúng ta mạnh dạn đến với Ngài để được cảm thông, thương xót, nâng đỡ (Hê-bơ-rơ 4:14-15). Qua đó chúng ta thấy Thi-thiên này dạy chúng ta tập kêu cứu với Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh với lòng tin cậy (câu 22-33).

Tôi cảm nhậân thế nào khi học biết về sự thống khổ Chúa Giê-xu chịu vì tôi qua Thi-thiên này?

Lạy Chúa Giê-xu, con tạ ơn Ngài vì Ngài đã gánh chịu đau thương vì cớ nhân loại trong đó có con. Xin giúp con kính mến, vâng lời Ngài trọn đời và trung tín rao truyền Phúc Âm cứu rỗi cho mọi người.

(c) 2024 svtk.net