Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Nền Tảng Thể Hiện Lòng Nhân Từ (1)

Tít 3:4-7

“Nhưng Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, đã bày tỏ lòng nhân từ, yêu thương: Ngài cứu rỗi không phải vì nhân đức chúng ta; nhưng bởi lòng nhân từ, Ngài ban Thánh Linh tẩy sạch tội lỗi và đổi mới chúng ta” (câu 4-5).

Câu hỏi suy ngẫm: Bản tính nào của Đức Chúa Trời được nói đến trong phân đoạn Kinh Thánh này? Với bản tính nhân từ, yêu thương Đức Chúa Trời đã làm gì cho chúng ta? Chúa cứu chúng ta với mục đích gì? Bạn cần thể hiện điều gì để bày tỏ mình là “kẻ kế tự của Đức Chúa Trời?”

Trước khi học biết phương cách thể hiện lòng nhân từ cho người khác, chúng ta cần học biết nền tảng thể hiện lòng nhân từ. Vì đây là việc khó thực hiện do đối nghịch với bản chất ích kỷ của con người chúng ta. Nhưng đây là mạng lệnh Chúa truyền cho con dân Ngài qua mọi thời đại phải thực hiện. Làm thế nào chúng ta, là những người tin theo Chúa Cứu Thế có thể thực hành Lời Chúa dạy? Bài học Kinh Thánh hôm nay sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.

Thi-thiên 103:8-13 mô tả bản chất của Đức Chúa Trời: Đấng “có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn...” Đức Chúa Trời Thánh Khiết đã thể hiện bản chất nhân từ qua công cuộc cứu rỗi nhân loại. Ngài đã không xử con người như tội lỗi con người đã phạm. Loài người tội lỗi đáng lẽ phải bị xử theo luật công chính của Đức Chúa Trời, thay vào đó, Đức Chúa Trời lại ban chính Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế xuống đời làm người, mang hết mọi tội lỗi của nhân loại và chịu hình chết trên thập tự giá thay cho con người. Thánh Kinh xác nhận rằng, “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Này sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:9-10). Đây là kế hoạch và chương trình cứu rỗi con người của Đức Chúa Trời mà Ngài đã thi hành từ khi chúng ta không hề hay biết về Ngài: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:6-8).

Trong thư gửi cho Tít, Sứ đồ Phao-lô xác định Đức Chúa Trời cứu rỗi loài người không dựa trên căn bản đạo đức của con người hay ‘việc công bình mà chúng ta đã làm (câu 5a) nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào bản chất nhân từ của Ngài. Đây là điểm khác biệt giữa Cơ Đốc giáo so với tất cả tôn giáo khác trên trần gian này. Mọi tôn giáo đều khuyên dạy đạo hữu dồn mọi nỗ lực làm lành lánh dữ, tích luỹ việc thiện lành với hy vọng đạt đến sự cứu rỗi, nhưng đều thất bại. Vì sao? Dù con người hết sức, hết lòng làm lành cũng không đạt được tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối mà Chúa đòi buộc, có chăng chỉ như ‘áo nhớp’ trước mắt Chúa mà thôi (Ê-sai 64:6). Do đó, không giải quyết được vấn đề tội lỗi của chính cá nhân mình, thì nói chi đến việc làm điều lành cho người khác. Duy Cơ Đốc giáo, sự cứu rỗi mà con người nhận được là kết quả của “ân sủng bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ” (Ê-phê-sô 2:8). Vì vậy, nền tảng của mọi hành động nhân từ phải bắt nguồn từ Đấng Nhân Từ. Vì là “con kế tự” nên chúng ta cần bày tỏ sự nhân từ của Cha mình cho người chung quanh chúng ta (câu 7).

Tôi có thật sự là con của Đấng Nhân Từ không?

Cảm ơn Chúa, vì lòng nhân từ Ngài không hình phạt chúng con ngay nhưng ban cho con cơ hội ăn năn, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu và nhận được đời sống mới trong Ngài.

(c) 2024 svtk.net