Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Đừng Khôn Ngoan Theo Đời Này

I Cô-rinh-tô 3:18-4:5

“Vì sự khôn ngoan đời này trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ” (câu 19).

Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là khôn ngoan theo đời? Sự khôn ngoan đó có giá trị gì trước mặt Chúa? Điều quan trọng nhất đối với chúng ta, người quản trị huyền nhiệm Đứùc Chúa Trời là gì? Vì sao không nên vội vàng xét đoán người khác? Sự phán xét thật đến từ đâu? Thế nào là sự phán xét thật?

Sứ đồ Phao-lô trở lại với đề tài “khôn ngoan” và cảnh cáo các tín hữu rằng đừng để bị lừa dối khi nghĩ rằng bởi sự khôn ngoan đời này mà họ có thể đạt được sự cứu rỗi và gây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Ông nói một cách trực tiếp và mạnh mẽ rằng sự khôn ngoan của đời này chỉ là sự ngu dại trước mắt Đức Chúa Trời. Ngài biết những ý tưởng dại dột của những người được gọi là khôn ngoan. Họ không thể nào giấu những gì đang diễn ra trong tâm trí của họ, Đấng “dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng” (Giê-rê-mi 17:10) biết rất rõ.

Phao-lô cũng nhắc các tín hữu Cô-rinh-tô đừng khoe khoang hoặc tôn vinh sự khôn ngoan, tri thức và sự thành đạt mà họ có được, bởi vì họ thuộc về Chúa Giê-xu và Chúa Giê-xu thuộc về Đức Chúa Trời (câu 22). Những gì mà họ và Hội Thánh Đức Chúa Trời có là thuộc về Ngài. Tiếp theo đó Phao-lô luận bàn về vai trò của người quản gia. Người quản gia là người đầy tớ quản trị tài sản của chủ chứ không phải của mình. Cụm từ “kẻ quản trị” trong câu 1 có nghĩa đen là “người đầy tớ chèo thuyền ở tầng thấp nhất của một con thuyền.” (Những chiến thuyền của La Mã khi xưa dùng sức của những người nô lệ để chèo thuyền. Những thuyền này có nhiều tầng, những người nô lệ hay tù nhân, phạm nhân bị xích vào thuyền ở tầng thấp nhất để chèo). Phao-lô thật là một người khiêm nhường khi ông tự nhận rằng ông là một người đầy tớ như thế.

Trách nhiệm của người quản gia là trung tín với chủ. Mục sư là một người quản gia và là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Trách nhiệm của mục sư là trung tín giảng Lời Đức Chúa Trời. Phao-lô đề cập đến ba loại phê phán.

Trước nhất là sự phê phán của con người. Phao-lô không sợ sự phê phán này. Chúng ta vẫn thường ngạc nhiên về cách mà người khác phê phán hay nghĩ về chúng ta, nhưng quên rằng chúng ta vẫn thường phê phán và nghĩ về người khác trong đó có các tôi tớ Đức Chúa Trời theo cách giống như họ. Đức Chúa Trời sẽ phán xét các đầy tớ của Ngài tùy theo sự trung tín của họ. Đây là việc của Đức Chúa Trời chứ không phải việc của chúng ta.

Thứ hai là tự xét đoán mình. Phao-lô đã tự xét mình và ông nói rằng “tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội, nhưng tôi cũng không nhờ sự đó mà được xưng là công bình: Đấng xử đoán tôi, ấy là Chúa” (câu 4). Bạn có thường xuyên tự xét mình và nói như Phao-lô nói không?

Thứ ba sự phán xét của Đức Chúa Trời. Đây mới là sự phán xét thật. Các tín hữu Cô-rinh-tô đánh giá các đầy tớ khác nhau của Đức Chúa Trời, so sánh người này với người kia và tự nghĩ rằng họ là thuộc linh hơn người khác. Nhưng Phao-lô cho biết việc làm đó rất xác thịt và những điều họ phê phán chẳng có ý nghĩa gì đối với một người đầy tớ thật của Đức Chúa Trời. Bởi vì một người đầy tớ thật là một người quản gia trung tín luôn làm đẹp lòng chủ và quản trị một cách khôn ngoan và trung tín tài sản của chủ mình là Đức Chúa Trời. Tại ngôi phán xét của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban thưởng cho những đầy tớ trung tín của Ngài.

Tôi có thường phê phán gay gắt các Cơ Đốc nhân và các đầy tớ của Đức Chúa Trời không? Tôi chú vào lời khen ngợi của con người hay cố gắng hết sức để đẹp lòng Đức Chúa Trời?

Lạy Chúa, xin giữ con khỏi thái độ phê phán các đầy tớ Chúa và những anh chị em của con. Xin giúp con luôn hiệp một với họ để đem những người hư mất đến với Ngài.

(c) 2024 svtk.net