Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 15

Người Hòa Giải

Sáng-thế Ký 26:17-35

"Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đức Giê-hô-va phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người" (câu 28).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao những người Phi-li-tin tiếp tục tranh giành các giếng nước? Khi bị tranh giành Y-sác đã làm gì? Vì sao ông làm như thế? Nếu ở trong trường hợp của Y-sác bạn sẽ làm gì? A-bi-mê-léc đã nói gì với Y-sác (câu 28)? Có ai đã nói như thế với bạn hay chưa?

Bạn sẽ làm gì khi người khác tỏ ra ganh tỵ khi nhìn thấy Đức Chúa Trời ban phước cho bạn? Trong câu chuyện hôm nay, kể từ câu 14 trở đi, vấn đề ganh tỵ khi thấy Y-sác ngày càng thịnh vượng, càng lúc càng trở nên sâu sắc thêm. Tuy nhiên, tại đây chúng ta thấy rõ Y-sác là con người mạnh mẽ, có nghị lực và sống hòa thuận, thay vì thụ động như trong quá khứ. Vấn đề tranh chấp xoay quanh việc sử dụng các giếng nước. Khi bị tranh giành, Y-sác không muốn xung đột, ông dời đi nơi khác và tiếp tục khơi lại các giếng của Áp-ra-ham đã bị lấp trước đó khá lâu (câu 18). Ông cũng đào thêm những giếng mới. Khi sự tranh giành tiếp diễn, ông lại đời đi nơi khác. Câu chuyện cho thấy rằng vấn đề không nằm ở chỗ thiếu nước cho các bầy gia súc, nhưng ở chỗ là sự ganh tỵ khi thấy Đức Chúa Trời ban phước cho Y-sác. Sự thịnh vượng của Y-sác đã khiến cho người Phi-li-tin trong vùng tỏ ra ganh tỵ và họ gây nhiều bất ổn cho Y-sác. Tại Bê-e-sê-ba, Đức Chúa Trời đã hiện ra và xác quyết với ông về lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham (câu 24) và tại đây ông đã lập một bàn thờ, dựng lều và đào một giếng nước mới. Đối với ông, sự thờ phượng, nơi cư trú và nước là ba điều thiết yếu trong cuộc đời của ông.

Việc thăm viếng thình lình của Vua A-bi-mê-léc và quan tổng binh của ông có những tình tiết rất lý thú. Những người Phi-li-tin này đã nhìn thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Trời đã ở cùng Y-sác. Họ xác nhận rằng chính Đức Chúa Trời đã che chở và ban phước cho ông (câu 28). Y-sác đã nồng hậu tiếp đón và mời họ dùng bữa. Hôm sau họ rời nơi ông đóng trại trong sự hòa bình. Y-sác đã thành công trong việc xây dựng tình thân hữu với những người láng giềng. Ông thật sự thể hiện đức tính của một người hòa giải: mềm mại, cởi mở, thân thiện và luôn tránh xung đột.

Thật ra, Y-sác có quyền chống trả để bảo vệ quyền lợi chánh đáng của ông, nhưng ông đã không làm thế để gìn giữ sự hòa bình. Cuối cùng ông được tôn vinh và được Đức Chúa Trời ban phước.

Tôi có bằng lòng từ bỏ quyền lợi của tôi, ví dụ như của cải hay địa vị quan trọng để gìn giữ mối dây hòa bình không? Tôi có cầu xin Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan để từ bỏ một số quyền lợi, không phải trong sự nhu nhược hay sợ hãi, nhưng trong tinh thần dũng cảm và hòa bình không?

Lạy Chúa, xin dạy con sống đẹp lòng Ngài và không để ý đến những quyền lợi hay những tham muốn ích kỷ gây ra những xung đột không cần thiết.

(c) 2024 svtk.net