Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Danh Chúa

Ma-thi-ơ 1:1-25

"Người sẽ sinh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê-xu, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội... người ta đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên" (câu 21, 23).

Câu hỏi suy ngẫm: Qua gia phả với những tên xa lạ, nhưng bạn thấy, biết được gì về Đức Chúa Trời? Ba danh xưng nào của Cứu Chúa được kể trong phân đoạn Kinh Thánh này? Mỗi danh xưng ấy có ý nghĩa nào? Những ý nghĩa đó có liên hệ gì với bạn?

"Một con trẻ sinh cho chúng ta... Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Cha Đời Đời, Chúa Bình An" (Ê-sai 9:5). "Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!" (I Cô-rinh-tô 9:15).

Tác giả Ma-thi-ơ viết văn không theo nguyên tắc sơ đẳng là phần nhập đề phải viết sao cho hấp dẫn mới khiến độc giả đọc tiếp cho đến chương cuối. Ma-thi-ơ bắt đầu bằng một danh sách gồm toàn những tên người xa lạ. Lối viết này không hấp dẫn được độc giả tây phương của thế kỷ 21, nhưng tại nhiều nơi trên thế giới, những vùng có truyền thống trọng vọng tổ tiên, người ta lại thích thú. Các độc giả đầu tiên của sách Ma-thi-ơ hồi thế kỷ thứ nhất có thể hiểu được chủ đích của tác giả là dùng bảng gia phả để xác định vị trí của Đức Chúa Giê-xu trong lịch sử, nhất là xác định quyền năng cứu thế của Ngài. Bản gia phả chứng minh sự hoàn tất lời hứa với tổ phụ Áp-ra-ham (câu 2) và với vua Đa-vít (câu 6). Gia phả gồm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời; hoặïc có thể chia thành 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn 7 đời. Các số 7, 14 nói lên sự trọn vẹn. Đấng Christ (Đấng Cơ Đốc) sinh ra là giao ước được trọn vẹn.

Ma-thi-ơ xác định ba danh xưng của Cứu Chúa. Thứ Nhất là GIÊ-XU trong các câu 1, 16, 18, 21, 25; thứ hai là CHRIST (ĐẤNG CƠ ĐỐC) trong các câu 1, 16, 17, 18; thứ ba là EM-MA-NU-ÊN trong câu 23. Cả ba danh xưng ấy đều ngụ ý Ngài là Đấng Cứu Thế từ Đức Chúa Trời đến chứ không phải từ La Mã đến như nhiều người Do Thái mong mỏi; ngụ ý thứ nhì của danh xưng ấy là Đấngï được xức dầu, là Đấng Mết-si-a mà người ta đang trông chờ; ngụ ý thứ ba là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Đây là một bản gia phả không hoàn hảo lắm. (Ngay cả các anh hùng đức tin như Áp-ra-ham, Đa-vít cũng có tỳ vết!) Trong gia phả ta thấy có ông Pha-rê là con của Giu-đa và người con dâu của ông (Sáng-thế Ký 38); Ra-háp là một người ngoại giáo có tiếng xấu (Giô-suê 2:11); Ru-tơ người Mô-áp...

Dù chúng ta không quan tâm nhiều đến dòng dõi dưới thế của Đấng Mết-si-a, nhưng gia phả ấy cho chúng ta thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời qua lịch sử loài người. Hơn nữa, điều quan trọng mà chúng ta mong mỏi về Đấng Mết-si-a là xem Ngài có đoái đến con người đang chìm đắm trong đau khổ không. Và quả vậy, Ngài đến vì chúng ta, Ngài là Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Vì lẽ ấy, hôm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm sự giáng trần của Ngài. Ngài được hoài thai bởi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri nên Ngài vừa là Người, vừa là Thần.

Chúa Giê xu là danh trên hết mọi danh, là Đấng Cứu Thế toàn mỹ, là Chúa vinh quang. Mọi đầu gối hãy quỳ xuống tôn vinh sự giáng sinh, sự chết, sự phục sinh, và sự tái lâm của Ngài.

Sự việc Chúa Giê-xu vừa là Người vừa là Thần có ý nghĩa gì với bạn? Bạn có xem Chúa Giê-xu là lý do chính và duy nhất của ngày lễ hôm nay không? Bạn tặng quà cho bạn bè, vậy bạn tặng gì cho Chúa?

Lạy Chúa, con cảm tạ Ngài vì "chẳng có danh nào khác có thể cứu được con" (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). Và Ngài đã đến để cứu chuộc chính con, con xin dâng cuộc đời con trong sự dẫn dắt của Ngài.

(c) 2024 svtk.net