Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Cầu Nguyện hay Khoe Khoang

Lu-ca 18:9-17

"Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội” (câu 13).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phần Kinh Thánh hôm nay có những ai lên đền thờ? Để làm gì? Lời cầu nguyện của họ như thế nào? Ai là người được Đức Chúa Trời nhậm lời? Vì sao? Chúa Giê-xu dạy điều gì qua câu chuyện ngụ ngôn này? Bạn thường cầu nguyện thế nào?

Nếu ngẫm nghĩ cho kỹ, trong hai người chỉ có người thâu thuế là thật sự cầu nguyện và lời cầu nguyện của ông được Đức Chúa Trời nghe, còn người Pha-ri-si khoe khoang hơn là cầu nguyện. Ông ta khoe về thành tích dâng hiến cũng như kiêng ăn của mình. Nhiều người đã lạm dụng sự cầu nguyện chung để khoe khoang về công khó của họ đối với công việc Chúa và tâng bốc mình. Họ muốn lời cầu nguyện của họ được người chung quanh nghe chứ không phải Đức Chúa Trời. Đáng buồn hơn nữa họ cho mình là người có trình độ thuộc linh cao hơn người khác, bằng cách ngấm ngầm so sánh mình với người khác, như người Pha-ri-si so sánh mình với người thâu thuế (câu 11). Có bao giờ tôi cầu nguyện với tinh thần như thế không?

Từ "được xưng công bình” (câu 14) là một thuật ngữ được sử dụng trong luật pháp. Từ này có nghĩa là mọi bằng chứng đã được tiêu hủy và không còn có một lý cớ nào để buộc tội chúng ta. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời không còn giữ các hồ sơ để nhằm cáo buộc chúng ta (Thi Thiên 32:4; Rô-ma 4). Tất cả tội lỗi của chúng ta đều do Chúa Giê-xu gánh chịu (II Cô-rinh-tô 5:21). Tất cả những điều này phát xuất từ ân sủng của Đức Chúa Trời (Lu-ca 18:13) chứ không phải bởi công đức của con người. Chúng ta được xưng công bình bởi đức tin (Rô-ma 5:1-5).

Thái độ của người thâu thuế thế nào? Ông này cảm thấy mình là một tội nhân nhơ nhớp đang đứng trước một Đức Chúa Trời thánh khiết và giàu ơn. Vì thế ông chỉ biết cúi đầu, đấm ngực, than khóc và cầu xin Đức Chúa Trời thương xót ông. Thái độ khiêm nhu của ông khiến cho lời cầu nguyện của ông được Đức Chúa Trời nhậm. Có lẽ một vài người trong các môn đệ và cả chúng ta hôm nay đã ít nhiều có tinh thần kiêu căng như người Pha-ri-si nên Chúa Giê-xu đã dùng câu chuyện ngụ ngôn này để quở trách một cách dịu dàng . Ngài dạy họ cũng như chúng ta phải khiêm nhường và tin cậy Ngài giống như con trẻ mới được vào vương quốc của Đức Chúa Trời.

Tôi thường đến với Chúa trong thái độ nào? Khi cầu xin sự thương xót và tha thứ của Chúa tôi đang ở vị thế nào?

Lạy Chúa, con biết ơn sâu xa về tình yêu thương và sự tha thứ dồi dào của Ngài. Xin giúp con luôn đến với Ngài trong sự khiêm nhường.

(c) 2024 svtk.net