Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Những Cám Dỗ Lớn Trong Đời Sống: Thế Nào là Sự Cám Dỗ

Lu-ca 4:1-13

"Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sinh ra tội ác; tội ác đã trọn, sinh ra sự chết” (Gia-cơ 1:14, 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Cám dỗ là gì? Ma quỷ đóng vai trò gì trong sự cám dỗ? Cám dỗ thường diễn ra như thế nào? Mục đích của sự cám dỗ là gì?

Cám dỗ là một vấn đề lớn trong đời sống con người vì vậy chúng ta cần biết cám dỗ là gì, nó liên hệ thế nào đến đời sống đức tin và làm thế nào để thắng sự cám dỗ.

Trước hết, bạn phải biết khi thấy mình bị cám dỗ không có nghĩa là bạn đã có tội. Sự thật nó có nghĩa là bạn mạnh, đáng để ma quỷ tấn công. Chúa Giê-xu đã bị cám dỗ, và Ngài là Đấng vô tội trước mặt Đức Chúa Trời và con người. Ma quỷ không tốn nhiều sức để cám dỗ bạn, nếu bạn ở về phía nó. Bạn phải xem lại tình trạng thuộc linh của mình nếu bạn không hề thấy mình bị cám dỗ. Sự kiện bạn bị cám dỗ không phải là bằng cớ bạn yếu đuối, hay là một người xấu, nhưng nó là bằng cớ chứng tỏ Sa-tan đang cố thuyết phục bạn làm một việc bạn không nên làm. Nếu bạn có đức tin, đức tin đó sẽ được thử thách bằng sự cám dỗ.

Thứ hai, chúng ta không coi thường sự cám dỗ, vì Sa-tan dùng nó để đẩy chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời và cướp đi sự sống mà Chúa đã chết để ban cho chúng ta. Người tin và làm theo ý Chúa là mục tiêu cho sự cám dỗ của Sa-tan. Ma quỷ cám dỗ chúng ta không phải để chúng ta làm những chuyện xấu xa, nhưng để chúng ta quên Đức Chúa Trời, quên tình yêu và sự chăm sóc của Ngài, quên lòng thương xót của Ngài để chúng ta thờ lạy nó, hay ít ra, làm những việc trái với ý muốn của Đức Chúa Trời.

Mùa Chay là dịp tiện để con dân Chúa suy niệm về sự thương khó và sự chết của Chúa Giê-xu vì cớ tội lỗi của mình để ăn năn, hối lỗi, nhờ quyền năng Thánh Linh sống đời sống đắc thắng tội lỗi và những sự cám dỗ trong đời sống. Bắt đầu chức vụ của Ngài, Chúa Giê-xu đã biệt riêng 40 ngày đêm ở trong đồng vắng để thông công với Đức Chúa Cha, chuẩn bị tinh thần cho chức vụ Ngài sắp bước vào. Và Sa-tan đã đến với Ngài để thử thách đức tin và quyết tâm của Chúa.

Những cám dỗ Chúa đã trải qua là những cám dỗ cơ bản trong đời sống của người có đức tin. Chúng là đối tượng của những sự cám dỗ khác. Khi một sự cám dỗ đến với chúng ta, nếu định tâm suy xét chúng ta có thể nhận diện nó nằm vào một trong ba thử thách Chúa Giê-xu đã đối đầu. Theo gương Chúa, chúng ta cần trang bị Lời Chúa để chống trả lại Sa-tan và vâng phục Đức Chúa Trời.

Nhiều người thất bại trước sự thử thách đức tin và tự bào chữa: "Sự cám dỗ này đến từ Chúa.” Gia-cơ xác định "Đức Chúa Trời không cám dỗ ai... nhưng mỗi người bị dục vọng mình lôi cuốn và quyến rũ” (1:13) mà rơi vào sự cám dỗ.

Sự thật ma quỷ là kẻ cám dỗ, nhưng nó không thể bắt chúng ta làm điều gì. Nó có nhiều mưu kế, nhưng nó không toàn năng làm được mọi việc. Nó chỉ có thể gài những miếng mồi ngon để nhử chúng ta đến gần, nhưng nó không thể làm chúng ta đớp miếng mồi. Chúng ta bị mắc bẩy bởi lòng dục của mình nên rơi vào mưu chước của ma quỷ.

Đây là những bước của một sự cám dỗ:

Trước hết, Ma quỷ gài miếng mồi ngon. Nó biết bản chất con người như một người câu cá kinh nghiệm biết về loại cá mình câu thích ăn thứ gì. Sa-tan để ý những thói quen, những sở thích của chúng ta. Và nó chuẩn bị một miếng mồi thích hợp, ném ra trước mắt chúng ta.

Thứ hai, chúng ta bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi miếng mồi của Sa-tan. Nhưng Sa-tan không thể khiến chúng ta đớp miếng mồi ngon. Nó biết những gì xảy ra bên trong chúng ta, khi chúng ta nhìn thấy miếng mồi. Bản chất xác thịt kéo chúng ta đến gần miếng mồi. Chúng ta chần chờ, suy nghĩ, tưởng tượng và dục vọng hun đốt trong chúng ta.

Thứ ba, sự tranh chiến bắt đầu diễn ra trong chúng ta. Lương tâm chúng ta lay động, cảnh cáo chúng ta về sự nguy hiểm. Chúng ta biết đớp miếng mồi là sai, là tội. Chúng ta nhận biết hậu quả của việc đớp miếng mồi này. Chúng ta bị dằn co giữa sự cảnh cáo của Chúa Thánh Linh và lời ngon ngọt của sự cám dỗ.

Thứ tư, sự cám dỗ kết thúc bởi sự đáp ứng của chúng ta. Chúng ta có thể chống lại hay làm theo sự cám dỗ. Bỏ đi nơi khác hay ăn miếng mồi. Nếu bạn đã chống lại sự cám dỗ, bạn sẽ biết cái cảm giác tự do, nhẹ nhàng bởi quyết định từ chối của mình. Mặt khác, nếu chiều theo sự cám dỗ bạn sẽ kinh nghiệm sự đau đớn gây ra bởi lưỡi câu nằm trong miếng mồi ngon mà mình đã ăn nó, và những hậu quả sau đó.

Tôi sẽ làm gì khi bị cám dỗ?

Xin Chúa giúp con luôn đề cao cảnh giác để không rơi vào những sự cám dỗ trong đời sống.

(c) 2024 svtk.net