Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 4

Cay Đắng

Ru-tơ 1:20-21

"Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao bà Na-ô-mi trở nên cay đắng? Bà có thái độ nào đối với Chúa về tình cảnh của bà? Lòng cay đắng tác hại thế nào trên đời sống người tin theo Chúa? Làm sao để không giữ cay đắng trong lòng?

Sách Ru-tơ bắt đầu với một câu chuyện tuyệt vời về sự đánh mất và chuộc lại trong đời sống của một người đàn bà tên là Ru-tơ. Chương 1 nói về nạn đói xảy ra trong xứ và một người đàn ông tên Ê-li-mê-léc đem vợ và hai con rời khỏi Giu-đa sang Mô-áp để mưu sinh qua cơn đói kém. Trong khi ở đó hai con trai của họ cưới hai thiếu nữ bản xứ làm vợ. Đời sống tốt đẹp kéo dài được 10 năm thì Ê-li-mê-léc qua đời. Hai con trai của họ cũng chết bất ngờ. Na-ô-mi mất ba người đàn ông quan trọng nhất trong cuộc đời của bà.

Ít ra Na-ô-mi cũng được phước vì bà có hai con dâu. Điều không may là thời bấy giờ người sở hữu đất đai, hay có việc làm phải là đàn ông. Có thêm hai người đàn bà ở với mình không giúp ích gì nhiều cho Na-ô-mi. Đời sống của bà hoàn toàn vô vọng. Na-ô-mi đang sống ở xứ người, chồng con chết hết, và bây giờ là lúc bà phải khăn gói trở về quê hương. Bà trở về với Ru-tơ, người con dâu thề sống chết sẽ ở với bà. Trở về, Na-ô-mi được cả làng vui mừng đón tiếp. Nhưng bà cay đắng nói với họ rằng, "Đừng gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn Năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm.” Bà Na-ô-mi nói cuộc đời bà là cay đắng vì gặp toàn sự bất hạnh: "Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không.”

Lòng cay đắng khiến khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn chúng ta oán trách Chúa, không thấy sự hiện diện và ân sủng của Chúa dành cho mình. Bà Na-ô-mi đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những hoàn cảnh của mình. Bà nói "Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn Năng khiến tôi bị khốn khổ.” Tức giận và cay đắng có thể nói là hai cảm xúc giống nhau. Sự tức giận lâu ngày trở thành cay đắng. Chữ "cay đắng” Kinh Thánh nói đến do một từ có nghĩa là "mật đắng, rễ đắng làm sinh ra trái đắng.” Tức giận đến từ một chữ có nghĩa là "sự lay động của linh hồn, tình cảm hung dữ.” Cảm xúc nào cũng gây tác hại trên con người chúng ta, nhất là tức giận và cay đắng. Nó làm bắp thịt căng thẳng, tim đập mạnh, áp huyết tăng, mất ngủ, buồn nôn và những xáo trộn tiêu hóa khác. Những cảm xúc tiêu cực này ăn sâu như rễ cây vào mọi khía cạnh của con người và chúng thay đổi chúng ta.

Bạn có đang tức giận hay cay đắng người nào hay điều gì không? Có thể điều làm bạn cay đắng là gia đình của mình. Những vấn đề và những liên hệ gia đình thường tạo nên những cảm xúc tệ hại nhất trong chúng ta. Có liên hệ thiết yếu nào trong gia đình bạn đầy cay đắng không? Dù lý do khiến bạn cay đắng là con người hay cuộc đời, chúng ta dễ để cho những điều này làm mình tức giận Chúa và cay đắng với Chúa. Lời Kinh Thánh cảnh cáo: "Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân sủng của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng” (Hê-bơ-rơ 12:15).

Phương pháp chữa trị tình cảm tiêu cực này là lột bỏ. Sứ đồ Phao-lô nói, "Hãy lột bỏ khỏi anh chị em tất cả những cay đắng...” (Ê-phê-sô 4:31) và thay thế nó bằng những tình cảm và việc làm tích cực: "Anh chị em hãy nhân từ, thương cảm lẫn nhau, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Chúa Cứu Thế” (Ê-phê-sô 4:32).

Nếu bạn muốn hết cay đắng, hãy vứt bỏ lòng cay đắng. Vứt bỏ cay đắng là một cách nói "Tôi tha thứ, tôi bỏ qua những điều anh làm tôi tức giận và khiến tôi cay đắng.” Bạn vứt bỏ những cay đắng khi bạn bắt đầu bày tỏ lòng nhân từ, và thương cảm đối với người bạn giận, bạn ghét và bạn bắt đầu nhìn thấy rễ đắng trong lòng mình khô héo. Lý do chúng ta có sự cay đắng trong đời sống vì chúng ta giữ lòng giận quá lâu.

Tôi có giận ai quá lâu để trở thành cay đắng không? Tôi có nhận ra mình dễ cay đắng với người khác, với Chúa không?

Chúa ôi, xin Chúa giúp con yêu thương, tha thứ người con đang tức giận để rễ đắng không thể phát triển trong lòng con.

(c) 2024 svtk.net