Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 12

Mặc Cảm Tội Lỗi

I Giăng 1:5-9

"Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài là Đấng thành tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (câu 9).

Câu hỏi suy ngẫm: Có phải mọi mặc cảm tội lỗi đều phát xuất từ hành vi phạm tội không? Những lý do nào thường khiến chúng ta mang mặc cảm tội lỗi? Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy gì về mặc cảm tội lỗi?

Theo định nghĩa "mặc cảm tội lỗi” (guilt) là một cảm giác thấy mình có trách nhiệm, hay hối hận về mộât sự vi phạm, sai lầm mình đã làm dù là thật hay mặc cảm.

Đối với một số người cảm giác có tội luôn đeo đuổi họ. Chúng ta sống dưới gánh nặng của những tội lỗi quá khứ và lo sợ những việc sai phạm trong tương lai. Dù cố tiến tới, chúng ta vẫn bị sự quở trách của chính mình trì kéo lại.

Không phải tất cả những cảm xúc về tội lỗi đều đặt trên sự kiện phạm tội. Có những mặc cảm tội lỗi phải lẽ do chúng ta vi phạm luật Kinh Thánh hay luật xã hội. Khi chúng ta phạm tội, Thánh Linh chỉ cho chúng ta thấy chúng ta sai phạm điều gì và làm thế nào để sửa lại. Chúng ta phải đáp ứng lại sự cáo trách này bằng cách xưng tội với Chúa, Ngài ban cho chúng ta sự tha tội và sự thanh tẩy tội lỗi mỗi khi chúng ta xưng tội.

Thế thì tại sao chúng ta có những mặc cảm tội lỗi không đúng? Có nhiều lý do.

a. Sa-tan dùng mặc cảm tội lỗi để quấy rối người tin Chúa. Nó kiện cáo và dối gạt người tin Chúa để làm cho chúng ta mất sự bình an và niềm vui trong đời sống thay vào đó là sự thất vọng và buồn rầu.

b. Một nguồn gốc tạo nên mặc cảm tội lỗi nữa là chủ nghĩa luật pháp, phán xét hành vi theo một tiêu chuẩn giáo điều. Lời Đức Chúa Trời thiết lập đường lối chúng ta phải sống, nhưng giáo hội đã áp đặt thêm những giáo luật. Và thất bại khi làm theo những luật lệ của truyền thống tôn giáo có thể gây nên mặc cảm hổ thẹn.

c. Những ký ức hay kinh nghiệm thời ấu thơ cũng có thể tạo nên tình cảm tiêu cực về tội lỗi. Có thể chúng ta không làm được những điều cha mẹ mong muốn hoặc chúng ta là nạn nhân của sự bạo hành hay sách nhiễu trong gia đình.

d. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cầu toàn (perfectionism): "Anh ấy là chấp sự, mà không đi học Trường Chúa Nhật!” Con là con của mục sư, con phải làm gương! Con không nên đến những nơi vui chơi đó.” Áp lực "phải trọn vẹn vì mình là con cái Chúa” làm chúng ta cảm thấy mình tội lỗi, không tốt đẹp, xứng đáng. Chúng ta quên rằng chúng ta được cứu để trở nên trọn vẹn chứ không phải Chúa cứu vì chúng ta là người trọn vẹn.

Luật pháp chủ nghĩa, những kinh nghiệm đau buồn thời thơ ấu, chủ nghĩa cầu toàn và những lời lên án tổn thương là đất tốt để nuôi dưỡng mặc cảm tội lỗi. Nếu bạn đang tranh chiến với sự lên án chính mình, hãy xem nguồn gốc của mặc cảm tội lỗi đó có chính đáng hay không. Hãy nhớ lời Kinh Thánh hôm nay: "Nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng cũng như Ngài vẫn hằng ở trong ánh sáng thì chúng ta được thông công với nhau và huyết Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài, thanh tẩy mọi tội lỗi chúng ta” (I Giăng 1:7).

Tại sao tôi để mặc cảm tội lỗi trì kéo đức tin của mình? Làm sao để tôi vượt qua được mặc cảm tội lỗi?

Cám ơn Chúa đã cứu chuộc và tha thứ mọi tội lỗi của con. Xin giúp con biết Ngài đã trả cái giá để con không bị dằn vặt bởi những mặc cảm tội lỗi nữa.

(c) 2024 svtk.net