Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Những Giấc Mơ Đến Từ Đức Chúa Trời

Sáng-thế Ký 41:1-36

"Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Trẫm có thấy một điềm chiêm bao mà chẳng ai bàn ra. Vậy, trẫm nghe rằng khi người ta thuật điềm chiêm bao lại cho, thì ngươi bàn được. Giô-sép tâu rằng: Đó chẳng phải tôi, nhưng ấy là Đức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy” (câu 15, 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Pha-ra-ôn thấy gì trong chiêm bao? Nhờ đâu Giô-sép thoát khỏi ngục tù? Khi đứng trước Pha-ra-ôn, Giô-sép đã tỏ ra như thế nào? Ông giải nghĩa điềm chiêm bao như thế nào? Ông được nhắc lên địa vị nào? Bạn học được gì về sự tể trị của Đức Chúa Trời và phần thưởng cho người công bình (ở đây là Giô-sép)?

Thời điểm Giô-sép được giải thoát và được tôn vinh đã đến, Đức Chúa Trời chẳng bao giờ hành động quá sớm hoặc quá trễ.

Khi đứng trước người đứng đầu một chính thể hùng mạnh nhất trên đất thời bấy giờ, Giô-sép tỏ ra khiêm nhường và luôn tôn cao danh Đức Chúa Trời. Ông nói với Pha-ra-ôn rằng "Đức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy.” Hầu như mọi cặp mắt trong triều đình đều dán vào Giô-sép. Sau khi nghe Pha-ra-ôn kể lại điềm chiêm bao, Giô-sép đã giải nghĩa một cách rõ ràng rằng sẽ có bảy năm được mùa dư dật rồi tiếp theo là bảy năm hạn hán và đói kém lớn. Tại đây ông đã bày tỏ lòng quảng đại của ông đối với một đất nước, nơi ông đang làm nô lệ khi ông đưa ra lời khuyên khôn ngoan rằng, để cứu người Ai Cập ra khỏi tai họa thì Pha-ra-ôn nên chọn người khôn ngoan để chỉ đạo việc thâu trữ và cung cấp lương thực cho toàn Ai Cập.

Giô-sép bày tỏ cho Pha-ra-ôn và triều thần của Ai Cập thấy rằng Đức Chúa Trời không những khải tỏ cho vua những giấc mơ liên quan đến vận mạng của Ai Cập, mà Ngài còn là Đấng nắm vận mạng của dân tộc này trong tay. Ngài cũng là Đấng giúp cho Pha-ra-ôn hiểu được những điều ông thấy. Thật lạ lùng, khi Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên lại quan tâm đến đất nước thờ lạy hình tượng và có những chính sách độc ác như đất nước Ai Cập cổ đại này. Nhiều thế hệ Ít-ra-ên sau này - không bao giờ quên việc Đức Chúa Trời giải phóng người Ít-ra-ên ra khỏi Ai Cập - cũng đã nhận thấy rằng Đức Chúa Trời không kém phần quan tâm đến chế độ Ba-by-lôn hung tàn. Trách nhiệm của Giô-sép cũng như hết thảy chúng ta là để Đức Chúa Trời sử dụng như những công cụ để bày tỏ sự rộng luợng và sự chăm lo của Ngài trên mọi tạo vật, bao gồm những người nhận biết Ngài cũng như những người khước từ Ngài.

Rấât có thể nhiều người nghĩ rằng Ai Cập cổ đại hay Ba-by-lôn không đáng được Đức Chúa Trời thương xót. Tôi có nghĩ như thế không? Hoặc có khi nào tôi nghĩ rằng người này hay người kia không đáng nhận được sự khoan dung hay ơn tha thứ của Đức Chúa Trời không? Tôi có sẵn sàng để Đức Chúa Trời sử dụng tôi để bày tỏ ân sủng của Ngài cho họ không?

Lạy Chúa, xin Ngài dùng con để đem sự chữa lành, sự khích lệ cùng điều tốt lành khác đến cho mọi người.

(c) 2024 svtk.net