Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

1 Ti-mô-thê 1:1,2

“1 Phao-lô, vâng mạng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta, và vâng mạng Cứu Thế Giê-xu là hi vọng chúng ta, làm sứ đồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, 2. gởi cho Ti-mô-thê, là con thật của ta trong đức tin: nguyền xin con được ân điển, sự thương xót và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta!”

Lá thư 1 Ti-mô-thê mở đầu với lời xưng hô và chào thăm.

Theo tập tục trong thế kỷ thứ nhất, mỗi bức thư trong số 13 bức của Phao-lô đều bắt đầu với tên tác giả. Phao-lô có hai tên, tên Do-thái là Sau-lơ và khi có quốc tịch La-mã, ông có tên là Paulus, tiếng Việt quen dịch là Phao-lô. Khi bắt đầu du hành truyền giáo, ông sử dụng quốc tịch La-mã, nên cũng dùng tên Phao-lô thay vì Sau-lơ.

Phao-lô xưng là sứ đồ trong 9 lá thư. Danh hiệu sứ đồ hay nguyên văn apostolos có nghĩa là “người được sai đi với một nhiệm vụ”. Đây cũng là danh hiệu Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Sau này danh hiệu sứ đồ còn dùng cho Phao-lô và Ba-na-ba, là hai nhà truyền giáo đầu tiên cho thế giới bên ngoài Do-thái. Phao-lô xưng chức vị sứ đồ ngay đầu lá thư, để xác nhận quyền sứ đồ của ông. Nghĩa là quyền do Chúa ủy nhiệm.

Ông viết: Sứ đồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nghĩa là chính Chúa Giê-xu đã ủy nhiệm và sai ông đi truyền giáo. Phao-lô còn xác định là ông vâng mạng Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu để làm công việc này. Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta. Lý do có thể là lúc đó bạo vương Néro của La-mã tự xưng là Cứu Tinh của Thế Giới, Phao-lô muốn xác nhận rằng chẳng có ai xứng đáng gọi là Cứu Tinh của nhân loại cho bằng chính Thượng-đế, chính Đức Chúa Trời.

Ông gọi Chúa Giê-xu là “hi vọng của chúng ta” Trong bản Kinh Thánh cũ dịch là sự trông cậy, thật ra phải dịch là hi vọng mới đúng. Tuy nhiên hi vọng cũng mang ý nghĩa trông cậy nữa.

Những ai xưng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa và Chúa Giê-xu là hi vọng của mình? Chắc chắn là những người đã tin nhận Chúa và kinh nghiệm sự tha thứ tội, tái tạo đời sống. Tin Chúa là nhận Chúa là Đấng cứu mình ra khỏi tội lỗi xấu xa, tái tạo đời sống, ban cho hạnh phúc thật. Nhưng đó chỉ là cho quá khứ và hiện tại, còn tương lai thì sao? Người tin Chúa đặt hết hi vọng nơi Chúa. Không phải hi vọng về đời này, nhưng về cõi vĩnh hằng nữa.

Ngày nay có vô số người dù gặp khó khăn, bách hại, tù đầy, vẫn không bỏ Chúa. Vì làm sao con người có thể bỏ Đấng đã cứu mình và là hi vọng của đời mình? Kẻ thù chỉ có thể giết chết thân xác tạm này, nhưng tin Chúa thì sẽ vào nước Chúa vĩnh hằng, và không ai có thể thay đổi được việc ấy. Chính vì vậy mà người ta bằng lòng tử đạo, bị tù, đi trại cải tạo.

Mặt khác, nếu ai tin Chúa mà vẫn chưa có thể xưng Chúa là Cứu Chúa và hi vọng của mình thì nên xét lại đức tin. Vì rất có thể là người đó chưa có kinh nghiệm thật với Chúa, mà chỉ gia nhập vào một tổ chức mà thôi.

Chỉ những ai nhận Chúa làm Cứu Chúa và hi vọng của mình mới có thể làm nhân chứng cho Chúa và lãnh nhiệm mạng rao truyền tin mừng về Cứu Chúa và về hi vọng trong Chúa mà thôi.

Câu thứ hai nói rằng: gởi cho Ti-mô-thê, là con thật của ta trong đức tin: nguyền xin con được ân điển, sự thương xót và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta!

Phao-lô từng gọi Ti-mô-thê là con, như trong 1 Cô-rinh-tô 4:7: “17 Vì cớ đó, tôi đã sai Ti-mô-thê, là con yêu dấu của tôi, cùng là trung thành trong Chúa, đến cùng anh em; người sẽ nhắc lại cho anh em biết đường lối tôi trong Đấng Christ, và tôi dạy dỗ cách nào trong các Hội thánh khắp các nơi.”

Và trong Phi-líp 2:20-22: “Vả, tôi mong rằng nhờ ơn Đức Chúa Jêsus, kíp sai Ti-mô-thê đến cùng anh em, để tới phiên tôi, tôi nghe tin anh em, mà được yên lòng. 20 Thật vậy, tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em: 21 ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Jêsus Christ.

22 Nhưng anh em đã biết sự trung tín từng trải của người; và biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy.”

Phao-lô không có gia đình, vì thế Ti-mô-thê không phải là con ruột, nhưng là “con thật trong đức tin” của Phao-lô. Cách Phao-lô xưng hô với Ti-mô-thê ở đây chứng tỏ Ti-mô-thê là một người tin Chúa chân chính. Đây là nghĩa cha con trong đức tin. Ti-mô-thê đã tin Chúa khi Phao-lô đến giảng tại Lít-trơ và sau đó ông đã mời Ti-mô-thê đi truyền giáo với mình. Nghĩa cha con bắt đầu như vậy.

Chúng ta tin Chúa là thuộc về một gia đình quý mến. Tất cả đều là anh em chị em trong đức tin. Những ai đưa người khác đến với Chúa là giúp người ấy được tái sinh, nghĩa là làm người mới trong Chúa. Nếu Hội Thánh duy trì được các tình cảm trong đức tin này, thì sẽ không bao giờ xẩy ra những chuyện bất hòa chia rẽ hay làm hại nhau, vì không ai làm các việc này trong đức tin cả.

Lời chúc đầu thư thông thường của Phao-lô là: “nguyền xin con được ân điển, sự thương xót và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta!” Phao-lô thường hay chúc ân điển và bình an, nhưng trong thư này còn thêm thương xót nữa. Có hai lý do xin Chúa thương xót Ti-mô-thê, một là Ti-mô-thê không có sức khoẻ dồi dào, hai là Ti-mô-thê đang gặp khó khăn tại Ê-phê-sô. Ti-mô-thê đang cần thương xót tức là ân huệ của Chúa để thắng hơn bệnh tật và khang kiện trong đức tin để đối phó với hoàn cảnh.

Đây cũng là mẫu chúc tụng mà người tin Chúa nên dùng để chúc nhau, thay vì dùng những xáo ngữ của đời.

Chúng ta ai cũng cần được ân điển, thương xót và bình an của Chúa, vì cuộc đời không mấy khi thuận lợi đối với chúng ta.

Bài học Kinh Thánh hôm nay là chúng ta cần xác định chỗ đứng của mình trong Chúa, đối xử với nhau trong tình thương và niềm tin, cầu nguyện cho nhau thêm ân điển, thương xót và bình an trong Chúa.