Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 24

Đường Đến Ai Cập

Sáng-thế Ký 45:16-46:7

"Đức Chúa Trời phán: Ta là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của cha ngươi. Hãy xuống Ê-díp-tô, đừng sợ chi, vì tại đó ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn” (câu 3).

Câu hỏi suy ngẫm: Pha-ra-ôn bày tỏ lòng biết ơn đối với Giô-sép thế nào? Các anh nói gì với Gia-cốp? Vì sao ông không tin và bị sốc? Đức Chúa Trời hiện ra với Gia-cốp ở đâu? Ngài xác quyết gì và hứa gì với ông? Tại đây bạn học được gì về Đức Chúa Trời?

Sự hội ngộ của anh em Giô-sép và việc họ làm hòa lại với nhau đã làm thay đổi nhiều điều. Câu chuyện ngày hôm nay nói lên sự thay đổi không ngờ trong cuộc sống của Gia-cốp. Câu chuyện cũng nói lên lòng biết ơn của con người đối với nhau: sự rộng lượng của Pha-ra-ôn (câu 17-20) là cách ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Giô-sép là người bởi thần minh của Đức Chúa Trời đã cứu dân tộc ông khỏi nạn đói khủng khiếp. Chẳng những thế thôi mà còn làm cho Ai Cập ngày càng thịnh vượng trong khi muôn dân trên đất bị suy vi vì nạn đói. Điều này cho thấy rằng sự hiện diện của một người kính sợ Đức Chúa Trời trong hàng ngũ lãønh đạo tối cao của một đất nước có thể làm cho đất nước này được thay đổi và được hưng thịnh về mặt kinh tế, chính trị cũng như quân sự.

Bây giờ chúng trở lại với với các anh của Giô-sép. Lời căn dặn của Giô-sép, "xin anh em đừng cãi lẫy nhau dọc đường” (câu 24) cho thấy dù họ ăn năn về những lỗi lầm trong quá khứ, nhưng nhiều năm sau cá tính của các anh em cũng không thay đổi bao nhiêu. Lời thông báo bất ngờ và cụt ngủn của họ đã khiến cho cha già của họ bị sốc (câu 26). Nhưng Gia-cốp đã hồi tỉnh ngay. Từ "tỉnh lại” (câu 27) trong tiếng Hê-bơ-rơ là "chayyah” còn có nghĩa là "phục sinh.” Những đau buồn, than khóc về một người con tưởng chừng như chết giờ đây đã qua rồi.

Khi đối diện với sự đổi thay quá sức tưởng tượng, nỗi sợ duy nhất của Gia-cốp là việc ông rời Đất Hứa để đến Ai Cập sẽ làm hỏng đi lời hứa của Đức Chúa Trời. Vì thế khải tượng ông thấy lúc ban đêm rất quan trọng đối với ông. Một lần nữa Đức Chúa Trời hiện ra cùng ông và phán rằng: "Hãy xuống Ê-díp-tô, đừng sợ chi, vì tại đó ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn” (câu 3). Lời hứa trước kia về tương lai của một nước lớn, một lần nữa được Đức Chúa Trời xác quyết (Sáng-thế Ký 12:2; 17:2-4) cùng với một lời hứa cảm động có tính cá nhân "Giô-sép sẽ vuốt mắt ngươi nhắm lại” (câu 4). Hơn thế nữa Đức Chúa Trời còn hứa rằng Ngài sẽ không bỏ mặc người của Ngài cho thần tượng Ai Cập, nhưng cùng đi với họ và đem họ trở về.

Dù ở bất cứ nơi nào, Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ mặc người thuộc về Ngài phải sống trong sợ hãi. Tôi có tin như thế không? Tôi có tin rằng Chúa sẽ luôn làm cho mọi lời hứa của Ngài thành tựu không?

Lạy Chúa, con trông đợi ngày mà Chúa sẽ xóa đi mọi đau buồn và lau ráo mọi nước mắt, "sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa” (Khải Thị 21:4).

(c) 2024 svtk.net