Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 20

Về Nơi Tổ Tông

Sáng-thế Ký 49:29-50:14

"Đoạn, người ra lịnh cho các con trai mà rằng: Cha sẽ về nơi tổ tông, các con hãy chôn cha chung cùng tổ phụ, nơi hang đá tại đồng ruộng Ép-rôn, người Hê-tít, tức là hang đá ở trong đồng Mặc-bê-la, ngang Mam-rê, thuộc về xứ Ca-na-an, mà Áp-ra-ham đã mua làm mộ địa luôn với đồng ruộng của Ép-rôn” (câu 29, 30).

Câu hỏi suy ngẫm: Trước khi qua đời, Gia-cốp căn dặn các con ông điều gì? Ông mong ước gì? Mong ước này thể hiện niềm tin quyết của ông nơi lời hứa của Đức Chúa Trời như thế nào? Các con ông thực hiện những điều ông căn dặn ra sao? Bạn có tin quyết nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời không? Bạn có mong ước gì khi nghĩ về nhà đời đời của bạn?

Dù hơi thở gần tàn nhưng mối quan tâm hàng đầu của Gia-cốp vẫn là mong muốn thấy cả gia đình ông luôn gắn bó và tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Bởi mối quan tâm đó mà ông đã chỉ thị một cách rõ ràng cho các con của ông về việc mai táng ông. Câu chuyện hôm nay mô tả chỉ thị ấy được các con ông thực hiện như thế nào.

Qua đám tang của Gia-cốp, chúng ta thấy có sự kết hợp giữa nềân văn hóa của Ai Cập và Ít-ra-ên. Là con trai và là người Ít-ra-ên, Giô-sép đã quỳ khóc bên xác người cha thân yêu. Là một chính trị gia hàng đầu của Ai Cập, ông ra lịnh xông thuốc thơm cho xác cha trong 40 mươi ngày, như phong tục của người Ai Cập. Đây là trường hợp xông xác và cũng là một tang thể trọng thể đầu tiên được Kinh Thánh ghi lại. Tang lễ của Gia-cốp đã trở thành quốc tang bởi vì người Ai Cập đã để tang ông trong 70 ngày. Điều này cho thấy dân Ai Cập đặc biệt tôn trọng Giô-sép và gia đình của ông. Tang lễ cũng đã để lại một ấn tượng tốt đẹp đối với những người Ca-na-an (câu 9-11).

Gia-cốp không muốn thân xác ông nằm ở Ai Cập. Đối với Gia-cốp, chỗ mai táng thân xác của ông thật quan trọng. Đây là khu đất mà Áp-ra-ham đã mua để chôn Sa-rai (câu 23:3-20; 25:7-10). Được chôn nơi này thật có ý nghĩa đối với ông bởi đó ông được nằm gần các tổ phụ của ông. Gia-cốp là người thứ bảy được nằm yên nghỉ ở phần đất thuộc về Đất Hứa dành cho một dân tộc mà từ đó ông đã sinh ra. Dù Gia-cốp chưa nhận được Đất Hứa, nhưng khi sắp chết ông vẫn kiên trì bám chặt vào lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, lời hứa của Ngài không bao giờ sai trật hay đổi dời. Câu chuyện về đám tang Gia-cốp là hình bóng về một ngày kia Đức Chúa Trời sẽ đem dân lưu đày của Ngài về đất hứa: "Nay Ta sẽ đem những kẻ phu tù của Gia-cốp trở về; Ta sẽ thương xót cả nhà Ít-ra-ên” (Ê-xê-chi-ên 39:25).

Tôi có tuyệt đối tin tưởng vào lời hứa của Đức Chúa Trời như Gia-cốp không? Khi cuộc đời tôi quá rối reng, tôi có tin rằng Ngài đang hành động để mọi sự trở nên ích lợi cho tôi không?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn tin cậy vào những lời hứa quý báu trong Lời Ngài. Xin giúp con bước đi bởi đức tin.

(c) 2024 svtk.net