Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Thắng Hơn Những Yếu Đuối: Biết Lãnh Vực Mình Yếu Đuối (1)

Ma-thi-ơ 26:36-46

"Tâm linh thì mong muốn nhưng thể xác lại yếu đuối" (câu 41).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong phân đoạn này các môn đệ có nhược điểm nào? Họ có biết nhược điểm của mình không? Tại sao biết lãnh vực yếu đuối của mình là điều cần thiết trong chiến trận chống lại sự cám dỗ? Theo bài học Kinh Thánh hôm nay, Chúa Giê-xu nói gì về sự yếu đuối của con người chúng ta?

Mỗi người ai cũng có những lãnh vực phải tranh chiến trong đời sống. Chúng ta có thể gọi chúng là những điểm yếu của mình mà ma quỷ thường lợi dụng để tấn công, làm chúng ta sa ngã. Điểm yếu là lãnh vực chúng ta bị cám dỗ thường xuyên. Đó là nơi chúng ta đã đối diện và vấp ngã hoặc thắng hơn nhưng đó vẫn là nơi sự cám dỗ sẽ quay lại.

Mỗi người có những lãnh vực yếu đuối khác nhau. Nó có thể là những điều thuộc về cá tính: dễ mất kiên nhẫn, ganh tị, muốn cầm quyền, thiếu tập trung. Nó có thể là ham mê chức quyền, tửu sắc, tiền bạc, vật chất. Không dễ dàng từ bỏ chúng, cũng không ai có thể thắng hơn sự yếu đuối một lần là xong. Khi vấp ngã chúng ta thường hứa sẽ dứt khoát với những thứ này nhưng rồi lại thấy mình tiếp tục làm những việc mình đã hứa từ bỏ.

Nhiều lần Chúa cho các môn đệ biết hoàn cảnh họ sẽ đối diện: Chúa sẽ bị bắt, bị giết, bị chôn và sẽ sống lại, và họ sẽ tan lạc. Nhưng họ không nhận biết sự yếu đuối của mình, người nào cũng tỏ ra anh hùng không bao giờ bỏ Chúa cả. Nhưng phân đoạn Kinh Thánh hôm nay mô tả sự yếu đuối của các môn đệ. Và đó cũng là yếu đuối của chúng ta.

Làm thế nào để thắng những yếu đuối trong đời sống chúng ta? Trước hết chúng ta phải biết những yếu đuối của mình ở điểm nào mới có thể đương đầu với nó. Chúng ta không thể thắng kẻ thù nếu không biết kẻ thù của mình là ai. Chúng ta phải biết điều gì làm chúng ta xa Chúa và không lớn lên trong Chúa.

Có những người không nhận ra những yếu đuối của mình. Một trong những lý do những người nghiệp ngập không thoát khỏi con đường nghiện ngập là vì họ nghĩ đó không phải là vấn đề họ phải giải quyết. Nếu chúng ta muốn trưởng thành theo hình ảnh của Chúa, chúng ta cần thừa nhận những yếu đuối của mình để khuất phục nó. Ví dụ, nếu bạn nhìn thấy một người thành công hơn mình, thay vì khen tặng, bạn chê bai, chỉ trích họ, thì bạn phải thành thật nhìn nhận bạn có tính ganh tị. Đó là sự yếu đuối tôi cần phải trừ khử. Nếu bạn dễ bị áp lực của người khác, thấy người khác có cái gì mới, bạn cũng tìm cách để có, thì bạn phải thành thật nhìn nhận mình có tính đua đòi, và cần tập kiềm chế lòng ham muốn.

Tại sao Ê-sau có thể đánh đổi quyền trưởng nam để lấy bát canh phạn-đậu của Gia-cốp? Vì Ê-sau là người coi thường những giá trị tinh thần (Sáng Thế Ký 25:29-34). Điều gì dẫn đến cái chết của người hùng Sam-sôn? Lòng ham mê tửu sắc của ông. Ma quỷ thường lợi dụng sự yếu đuối của từng người để khiến chúng ta mất đi sức mạnh sống đời sống đắc thắng. Chúng ta phải biết mình dễ bị cám dỗ trong những lãnh vực yếu nhất của mình. Có thể bạn không bị cám dỗ ganh tị người khác, ăn chơi, hút xách, nhưng có thể bạn bị cám dỗ dễ mất kiên nhẫn, dễ để cho tinh thần mình căng thẳng, dễ nóng naœy. Đó là nơi bạn phải chiến đấu để thắng hơn sự yếu đuối.

Có thể bạn là người rất trung thành trong hôn nhân, thành công trong việc làm, kiên nhẫn, có nhiều tính tốt, nhưng lại không thể kiềm chế lời nói của mình. Bạn hay nói những lời tiêu cực, chỉ trích. Đó là yếu đuối phải nhìn thấy và cầu nguyện trước, nhờ Chúa để chiến thắng hơn.

Điều quan trọng là chúng ta phải đối phó với những yếu đuối của chính mình. Đây là điều Đa-vít làm. Hai lần trong Thi-thiên ông xin Đức Chúa Trời giúp ông kiềm chế môi miệng của mình. Ông biết đây là một điểm yếu của ông và ông cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ mình để không mắc tội với Chúa trong lời nói: "Kinh lạy Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, Và canh cửa môi tôi" (Thi-thiên 141:3).

Điểm yếu của tôi là gì? Làm sao để tránh điều đó?

Xin Chúa giúp con nhận biết những nhược điểm của mình để luôn đề cao cảnh giác trước sự cám dỗ.

(c) 2024 svtk.net