Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Kỷ Luật và Trách Nhiệm

(1 Ti-mô-thê 5:1-6:2)

Trong phần Kinh Thánh này, Phao-lô đề cập đến nhiều từng lớp người trong Hội Thánh, nhất là các góa phụ. Có lẽ Hội Thánh ban đầu gặp nhiều khó khăn với vấn đề các bà góa, như trong Công-vụ Các Sứ-đồ chương 6 đã đề cập, và lúc ấy Hội Thánh đã phải cử ra một ban chấp sự để lo cho các bà góa.

1. Trước tiên, chương 5:1,2:

1 Chớ quở nặng người già cả, nhưng hãy khuyên dỗ họ như cha, còn kẻ trẻ thì như anh em,

2 đàn bà có tuổi cũng như mẹ, bọn thiếu nữ như chị em, mà phải lấy cách thánh sạch trọn vẹn.

Phao-lô khuyên Ti-mô-thê là phải coi tất cả mọi người như trong một gia đình. Đây là thái độ quan trọng mà người lãnh đạo cần quan tâm. Chỉ khi nào ta coi nhau như ruột thịt, thì ta mới đối xử với nhau tốt được. Người già coi như cha mẹ mình, người trẻ coi như anh em chị em, lời khuyên này ngắn gọn nhưng là nguyên tắc trong việc đối xử trong Hội Thánh. Người con không bao giờ nặng lời với cha mẹ, vì vậy người già cả cần được săn sóc, khuyên nhủ hơn là nặng lời quở trách. Dĩ nhiên đối với người trẻ thì dễ hơn, tuy nhiên vẫn phải đối xử như anh em chị em ruột, nghĩa là xây dựng với thương yêu chứ không gây bất hoà. Phao-lô thêm một câu về cách đối xử với phụ nữ trẻ tuổi, đó là phải thương yêu trong tôn trọng phẩm giá của họ, và không được lạm dụng. Dĩ nhiên những người trẻ tuổi như Ti-mô-thê cần lời khuyên này để luôn nhớ rằng mình là người của Chúa và không thể để lòng tham xen vào công việc phục vụ Ngài.

2. Trong phần thứ hai của chương 5 Phao-lô dạy về phụ nữ góa chồng trong suốt 16 câu, chứng tỏ vấn đề không đơn giản. Có thể chia làm ba đoạn nhỏ:

a. Bà góa nghèo nàn: câu 3-8.

3 Hãy kính những người đờn bà góa thật là góa.

4 Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.

5 Người thật góa ở một mình, đã để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, ngày đêm bền lòng cầu nguyện nài xin.

6 Nhưng về phần kẻ ưa sự vui chơi, thì dẫu sống cũng như chết.

7 Hãy nhắc lại những điều đó cho họ hầu cho họ không chỗ trách được.

8 Nếu như có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.

Từ “kính” trong câu này không những chỉ mang tính chất kính trọng, nhưng còn săn sóc cứu giúp nữa, như từ “hiếu kính” vậy. Những chữ “thật là góa” mang ý nghĩa thật là nghèo khổ cần được chu cấp. Nghĩa là Hội Thánh có nhiệm vụ chăm sóc những người góa bụa nghèo khó.

Tại đây Phao-lô đề cập đến nhiệm vụ của con cháu để minh định rằng Hội Thánh chỉ hỗ trợ còn thân nhân của người góa bụa phải chu cấp cho những người này, nhất là những người tin Chúa. Lời Chúa dạy về lòng hiếu thảo rất rõ ràng: “con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Như vậy không ai có quyền nói rằng theo Chúa là bỏ ông bỏ bà. Lời dạy ở đây là con cháu phải hiếu thảo, báo đáp ơn cha mẹ vì đó là điều Chúa dạy. Ở đây Phao-lô nhấn mạnh về bổn phận của con và cháu, vì thế những người tin Chúa nên theo đúng lời dạy của Chúa về việc hiếu kính đối với ông bà cha mẹ và nhất là những người góa bụa, vì có lời hứa cho đời này và đời sau.

Câu 8 nhắc thêm về bổn phận săn sóc những người trong vòng bà con, coi đó như việc chứng nghiệm lòng tin của mình. Câu 8 như sau: Nếu như có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.

Đây là lời răn dạy nghiêm khắc đối với những ai không săn sóc đến những bà con trực tiếp ruột thịt của mình. Những người bỏ trách nhiệm này bị kể là người vô đạo, còn xấu hơn người vô tín. Vì thông thường, ai cũng thương yêu bao bọc những người thân yêu của mình. Người tin Chúa nên lấy câu này để tự răn mình và tùy khả năng cứu giúp những ai trong vòng bà con để tình thương của Chúa được rộng trải ra khắp nơi. Câu 16, nhắc rằng, những người có thân nhân góa bụa, nên tự chăm sóc, để Hội Thánh nói chung có thể tập trung vào việc cứu giúp những người khác gặp cảnh khó khăn hơn.

Sau khi nói đến bổn phận đối với người góa bụa, Phao-lô quay sang nói về chính những người góa bụa.

Phao-lô nêu lên những tính xấu và tính tốt của các bà góa:

Về tính tốt, ta thấy: Có một số đặc điểm về một bà góa tốt: Thứ nhất, Người ấy sống một mình. Thứ hai, Người ấy hết lòng tin Chúa, khác hẳn với những người góa vô tín. Thứ ba, người ấy chuyên tâm cầu nguyện ngày đêm thường xuyên. Thứ tư, câu 9, phải 60 tuổi trở lên và từng có một đời chồng mà thôi. Vì Phao-lô nêu lý do là người quá trẻ, sẽ có thể còn ham mê đời này và có thể tái hôn. Thứ năm, người ấy là người từng ra tay làm nhiều việc phước đức, kể cả việc chăm sóc con cái, hiếu khách, phục vụ thánh đồ, cứu giúp người nghèo và các việc từ thiện khác.

Trong khí đó ông nêu lên những tính xấu của một số phụ nữ góa bụa:

Thứ nhất, ưa vui chơi. Đây là nững người vô đạo, sống theo lối sống nhơ bẩn, truỵ lạc trong đời. Thứ hai, rỗi việc, chạy từ nơi này sang nơi khác ngồi lê đối mách. Tất nhiên những người như thế không thể nào giữ đạo lâu bền, trước sau cũng bỏ Chúa chạy theo đời.

Khi đã nói xong các việc này, Phao-lô còn nhắc là những người góa bụa còn quá trẻ, nên tái hôn, để có gia đình tử tế và không bị cám dỗ lôi cuốn. Phao-lô không muốn ai rơi vào cạm bẫy và bỏ Chúa.

Tóm lại, trong các câu Kinh Thánh này, Ti mô thê được dạy là phải cẩn thận trong việc hướng dẫn Hội Thánh chăm sóc người góa bụa. Ngày xưa đã thế, mà ngày nay, trong hòan cảnh nước ta chắc còn nhiều hơn. Trong Hội Thánh lúc nào cũng có bà góa, thân nhân nói riêng và Hội Thánh nói chung phải chăm sóc không những phần vật chất, nhưng còn phần tâm linh nữa, để những người ấy không bị đời nói xấu, nhưng làm gương sáng cho mọi người noi theo.