Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 19

Sống trong Tối Tăm

Xuất Ê-díp-tô Ký 10:8-29

"Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy đưa tay ngươi lên trời, hầu cho trên xứ Ê-díp-tô có sự tối tăm dày đến đỗi người ta rờ đụng đến được" (câu 21).

Câu hỏi suy ngẫm: Tai họa nào sẽ nối tiếp? Bạn nghĩ gì về những tai họa này? Pha-ra-ôn thể hiện bản chất gian xảo và mưu mô ở những điểm nào? Ngày nay bạn nhận biết quyền năng của Đức Chúa Trời thế nào trong và quanh bạn? Bạn quan tâm như thế nào đến tình trạng của nhân loại ngày nay?

Tai họa nối tiếp tai họa. Lần này Ai Cập lâm nguy bởi đạo quân xâm lược đến từ trên không. Đây là một đàn cào cào đông vô kể theo ngọn gió đông sà xuống đất nước này (câu 13, 14). Những sinh vật này dù nhỏ nhưng với bộ hàm dữ tợn và rất háo ăn trong phút chốc đã làm cho cả một đất nước rộng lớn không còn chút màu xanh. Đất đai trơ trụi, ruộng vườn hoang tàn khiến cho người Ai Cập phải lao đao. Nhưng chưa hết, tiếp theo là bóng tối dày đặc phủ trùm cả xứ. Tối đến nỗi người ta không nhìn thấy nhau và không ai rời khỏi chỗ của họ. Nhưng kỳ diệu thay, xứ Gô-sen xanh tươi, phì nhiêu lại có ánh sáng. Con cái của sự tối tăm sẽ bước đi trong sự tối tăm, nhưng con cái của sự sáng, của sự công bình sẽ bước đi trong sự sáng. "Nhưng con đường người công bình giống như sự sáng chiếu rạng, Càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa" (Châm Ngôn 4:18).

Đến đây Pha-ra-ôn bắt đầu nao núng, nhưng với bản chất gian xảo và đầy mưu mô Pha-ra-ôn chỉ nhượng bộ một phần bằng cách cho những người nam đi dâng tế tễ cho Đức Chúa Trời nhưng giữ lại đàn bà và trẻ con (câu 9:11). Sau tai họa thứ chín là sự tối tăm, Pha-ra-ôn tung ra con bài cuối cùng là muốn giữ lại tất cả tài sản của người Ít-ra-ên. Ông tin rằng sự trừng phạt kinh tế này sẽ khiến cho Môi-se phải chịu thúc thủ và không còn đấu tranh cho quyền tự do dân tộc nữa (câu 24). Nhưng Pha-ra-ôn đã lầm, Môi-se không hề lùi bước. Thực ra đây là cuộc chiến của Đức Chúa Trời với loài người để giải phóng dân Ngài. Con người có thể thất bại và bỏ cuộc, nhưng Đức Chúa Trời thì không bao giờ. Pha-ra-ôn không mảy may ý thức rằng vận mạng của ông và của cả Ai Cập nằm trong tay của Đức Chúa Trời. Nếu không bởi lòng nhân từ và sự chậm giận của Ngài, liệu Pha-ra-ôn có tồn tại không? Ông không nhận thức được rằng thế quyền không thể nào thắng nỗi thần quyền của Đức Chúa Trời!

Khi đuổi Môi-se và kèm theo lời đe dọa "ngày nào ngươi thấy mặt ta thì sẽ chết!" (câu 28), Pha-ra-ôn cắt đứt mối quan hệ với Môi-se và A-rôn, có nghĩa là cắt đứt mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Như thế có nghĩa là ông tự hủy hoại mình vì không còn liên hệ gì nữa với Đấng cầm quyền sự sống. Lòng tham, sự vô tín, và sự ngạo mạn đã dẫn Pha-ra-ôn vào chỗ cứng lòng không chịu ăn năn nhưng cứ chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Đây là tình trạng chung của nhân loại ngày nay và đây là lý do mà Đức Chúa Trời sẽ xét đoán cả thế gian vào ngày chung kết đời.

Hãy suy nghĩ về những điều khiến cho Pha-ra-ôn cứng lòng. Bạn có nghĩ rằng sự ham muốn quyền lực và sự giàu sang có thể khiến cho lòng bạn và lòng nhiều người trở nên cứng cỏi không?

Lạy Chúa, xin giúp con cẩn thận giữ tấm lòng của mình, không để cho sự tham muốn dỗ dành làm cho con cứng lòng.

? Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 4.

(c) 2024 svtk.net