Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 17

I Ti-mô-thê 6:17-21

17 Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là được mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng.

18 Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có,

19 vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật.

20 Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con, tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức.

21 Aáy vì muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo. Nguyền xin ân điển ở cùng các anh em!

Trong phần trên của lá thư Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê đã có đề cập đến vấn đề của cải và giàu sang. Vấn đề này được nhắc lại với đối tượng khác. Phần trên nhắm vào những người đặt hi vọng, trông mong rằng mình sẽ có tiền bạc và theo đuổi con đường kiếm tiền. Phần này nhắm vào những người thực sự đang giàu có.

Trước tiên Phao-lô không bảo rằng giàu có là tội ác, nhưng ông chỉ khuyên những người giàu cần lưu tâm đến hai điều nguy hiểm. Một là, kiêu ngạo. Hai là, để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn.

Trong đời ai cũng mong được giàu sang phú quý, không ai thích đời bần hàn. Có những người khả năng nhiều và có cơ sở vật chất vững, có thể phát triển thương mại hay đầu tư và đạt đến chỗ giàu sang. Kinh Thánh cho hay rằng thịnh vượng, giàu sang là phước lành Chúa ban cho con người được hưởng, tuy nhiên thói xấu của người có tiền của là coi thường những người nghèo hơn mình. Thái độ này xuất phát từ sự tự mãn, tự cao. Đây là một tính xấu mà Chúa không chấp nhận. Kinh Thánh lên án những người giàu mà ích kỷ và bắt nạt kẻ nghèo.

Người tin Chúa được dạy là phải thương yêu mọi người và đừng kiêu ngạo. Những người đã có tiền của lại thêm lòng thương người và khiêm tốn hạ mình là những người có phước hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần và thật sự giàu có.

Những người có tiền của lại còn phải biết ơn Chúa, vì tất cả đều là do Chúa mà nhận được. Cảm tạ Chúa bằng cách chia sớt cho kẻ nghèo những gì mình được hưởng là một thái độ xứng đáng.

Vì Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường, vì vậy những ai có tiền của không nên kiêu ngạo, nhưng lại càng phải tỏ ra hạ mình, như thế mới được niềm vui thật do từ Chúa ban.

Điều thứ hai mà người giàu cần tránh là để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn.

Người ta bảo rằng:

Đồng tiền là tiên là Phật

Sức bật của tuổi trẻ,

Sức khỏe của tuổi già,

Cái đà của danh vọng,

Cái lọng che thân,

Cái cân công lý.

Quan niệm trong câu vè vừa đọc xuất phát từ ý nghĩ cổ truyền của Việt nam, “Nén bạc đâm toặc tờ giấy”, “Có tiền mua tiên cũng được.” V. v. Tuy nhiên đó là cách dùng tiền sai trái, tạo tham nhũng thối nát trong xã hội và làm cho những người nghèo khó càng khổ hơn, người giàu sang lúc nào cũng ở ưu chế.

Nhưng trông cậy nơi của cải không chắc chắn còn mang một ý nghĩa khác nữa, tức là coi tiền của là sức mạnh vạn năng và không còn tin cậy nơi Chúa là Đấng ban cho tiền của đó. Của cải không chắc chắn vì có thể mất hay bị cướp đi, bị phá giá. Nhưng nếu khôn ngoan đặt niềm tin nơi Chúa là Đấng không biến đổi và nguồn cung ứng tất cả, thì thật sự được giàu có sung mãn.

Phao-lô dạy, trái lại “hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng.” Câu này không có ý dạy là đừng làm gì cả, cứ ở yên thì Chúa sẽ cung ứng tất cả, nhưng dạy rằng, thay vì coi của cải là thần thánh, hãy tôn thờ Chúa và nhờ cậy nơi Ngài, vì nguồn thịnh vượng no ấm là do Chúa ban cho cả. Nguồn hạnh phúc là từ Chúa, vì cậy hết lòng tin Chúa thì mọi sự sẽ được cung ứng đầy đủ. Ở đây không nói đến việc Chúa cho giàu có, nhưng nhấn mạnh “mỗi ngày Chúa ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Điều này tương ứng với bài cầu nguyện Chúa dạy: “Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày.” Chân lý ở đây là, nếu hết lòng tin cậy nơi Chúa thì nhu cầu thiết yếu sẽ được cung ứng.

Phao-lô dạy tiếp về những việc mà người có tiền của nên làm: “Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có, vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật.” Câu này bản dịch hiện đại diễn tả như sau: “Hãy khuyên họ làm điều lành, chuyên lo việc từ thiện, mở rộng lòng rộng rãi và sẵn sàng cứu trợ, tích trữ một kho tàng tốt đẹp cho đời sau để được hưởng sự sống thật.”

Bản Các giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.”

Người giàu có về tiền của nên giàu có về cả việc phước đức. Có bốn nghĩa cử mà người giàu nên làm: thứ nhất là làm việc thiện, thứ hai là giàu việc tốt lành, thứ ba là ăn ở rộng rãi, và thứ tư là sẵn sàng chia sẻ. Tất cả đều là phân phát, là cho. Như thế thì đời sau mới thật sự giàu có. Vì tương lai mà mỗi người bước vào sẽ không có vật chất mà chỉ có những đức tính. Những đức tính ta tạo được khi ta còn sống trên đời này. Làm việc thiện lành là tạo ra những đức tính mà mình sẽ hưởng trong tương lai, đó là tài sản quý giá mà trong đời này ta dồn chứa hay để dành được cho đến đời sau. Vì tất cả của cải dù bao nhiêu, khi ta nằm xuống cũng để lại trên đời này. Nhưng của cải thiện lành, phúc đức, sẽ tồn tại cho đến đời sau. Sự sống thật trong đời sau có nghĩa là sự sống giàu có thật sự, giá trị thật sự, khác hẳn với sự sống vật chất đời này.

Phần cuối cùng của bức thư Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê, ông viết: Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con, tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức. Aáy vì muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo. Nguyền xin ân điển ở cùng các anh em Xin đọc qua bản Hiện đại và bản Các Giờ Kinh để quý vị thấy rõ nghĩa câu này hơn:

HĐ: Ti-mô-thê con, hãy giữ những điều Chúa đã ủy thác cho con, tránh những lời phàm tục và những cuộc tranh luận về lý thuyết mạo xưng là “tri thức”. Có người tự khoe về “tri thức” ấy mà mất đức tin. Cầu chúc con hằng hưởng được ân phúc của Chúa.

PV: Anh Ti-mô-thê, hảy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu. Có những kẻ, vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh em được ân sủng.

Phao-lô một lần nữa cảnh cáo Ti-mô-thê là phải nắm vững những điều mình tin nhận và không nghe những dư luận sai lạc giả tạo và trống rỗng của nhưng người choi là mình có thể biết được Chúa bằng tri thức con người. Thật ra đạo Chúa khởi đầu bằng lòng tin và hiểu biết được khai mở khi mạc khải của Chúa đến với tâm hồn người. Ta cần tin Chúa hết lòng, đừng bao giờ cho mình là hiểu biết tường tận về Chúa.

Tóm lại, những câu cuối cùng của lá thư thứ nhất Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê là nhắc lại những điều ông đã căn dặn.

Bài học rút ra cho mỗi người là hết lòng tin cậy Chúa, đừng nương cậy vào tiến của, nhưng phải nỗ lực làm việc lành, vì tồn tại đến vĩnh hằng. Người tin Chúa cần bảo vệ niềm tin mình cho vững và không nghe bất cứ một lý thuyết nào khác với sứ điệp của Kinh Thánh, vì sẽ rơi vào cạm bẫy của Sa-tan.