Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 18

2 Ti-mô-thê 1:1-5

Chúng ta vừa học xong lá thư thứ nhất của Sứ đồ Phao-lô gởi cho người con tinh thần của ông là Ti-mô-thê. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu nghiên cứu lá thư thứ hai. Xin đọc năm câu đầu tiên của lá thư này:

Ta, Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, đặng rao truyền lời hứa của sự sống trong Đức Chúa Jêsus Christ, 2 gởi cho Ti-mô-thê, là con rất yêu dấu của ta: nguyền con được ân điển, sự thương xót, sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta! 3 Ta cảm tạ Đức Chúa Trời mà ta hầu việc bằng lương tâm thanh sạch như tổ tiên ta đã làm, cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ con không thôi trong khi cầu nguyện. 4 Vì ta nhớ đến nước mắt con, muốn đến thăm con quá chừng, để được đầy lòng vui vẻ. 5 Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa.

Trong lá thư thứ hai gởi cho Ti-mô-thê Phao-lô cũng có những lời mở đầu nói về chính ông và sau đó nhắc lại những điều quan hệ tới niềm tin của Ti-mô-thê.

Câu 1, ông viết: Ta, Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, đặng rao truyền lời hứa của sự sống trong Đức Chúa Jêsus Christ. Trong câu này Phao-lô xác nhận lá thư này không phải của một cá nhân gởi cho một người bạn trẻ tuổi, nhưng là một vị sứ đồ của Chúa Giê-xu gởi cho một nhà lãnh đạo. Phao-lô nhắc lại ông làm sứ giả của Chúa là do Chúa chỉ định chứ không phải ông tự ý lựa chọn. Ông làm sứ đồ của Chúa Giê-xu chứ không phải của một giáo hội hay tổ chức nào.

Điều quan trọng trong câu này là Chúa chỉ định và sử dụng Phao-lô trong công tác của Ngài. Mục đích của việc làm sứ đồ hay sứ giả của Chúa là: “để rao truyền lời hứa của sự sống trong Đức Chúa Giê-xu Christ” Câu này có hai điểm: Thứ nhất là “lời hứa của sự sống” Câu này phải dịch là: Lời hứa ban cho sự sống, hay lời hứa về sự sống. Sự sống đây là sự sống đời đời. Ta có thể diễn ý: Lời hứa ban cho sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Thứ hai là “trong Đức Chúa Giê-xu Christ” nghĩa là “qua Đức Chúa Giê-xu” Có thể diễn ý cả hai phần là: Lời hứa của Đức Chúa Trời ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Chúa Giê-xu. Đó là sứ điệp chính của Phao-lô. Tin mừng hay tin lành cần loan báo cho mọi người trên mặt đất là Lời hứa ban sự sống vĩnh hằng cho những ai bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu.

Tin nhận Chúa Giê-xu không phải là để gia nhập một tôn giáo của một nước Tây Phương hay là để vào một giáo hội có thế lực. Tin nhận Chúa Giê-xu là để tiếp nhận sự sống vĩnh hằng. Sứ đồ Phao-lô đã là nhân chứng cho niềm tin này vì chính ông từng chống lại Chúa Giê-xu và tìm cách tiêu diệt môn đệ của Ngài. Nhưng Chúa Giê-xu đã gặp ông và tuyển chọn ông làm người rao truyền tin mừng về việc tin nhận Chúa Giê-xu để được thay đổi đời sống, để từ chết trong tội ác, được tha tội và hưởng sự sống vĩnh hằng.

Việc rao truyền tin mừng này rất quan trọng, vì chỉ một mình Chúa Giê-xu cho ta có thể tiếp nhận lời hứa ban sự sống vĩnh hằng. Ngoài Chúa Giê-xu ra, trong nhân loại không ai biết sự sống vĩnh hằng là gì cả.

Trong những lời chào thăm tiếp theo, Phao-lô viết: “gởi cho Ti-mô-thê, là con rất yêu dấu của ta: nguyền con được ân điển, sự thương xót, sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, là Cha, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta!” Đây là lời chúc quen thuộc đầu thư của Phao-lô. Ân điển là sức mạnh, khôn ngoan, khả năng; thương xót là sự bảo vệ gìn giữ và bình an là tình trạng tâm hồn yên lặng không bị xáo trộn. Tất cả những điều này do Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu ban cho con người. Như vậy, không những tin Chúa Giê-xu hưởng được lời hứa về sự sống vĩnh hằng, nhưng trong đời hiện tại trên trần gian được Chúa ban năng lực, khôn ngoan, bảo về và an bình trong tâm hồn. Người ta tưởng chừng như tiền bạc, thế lực hay danh vọng bảo đảm đời sống thịnh vượng và thành công, nhưng nếu không đặt niềm tin nơi Chúa thì tất cả đều trở thành hư vô. Chính Phao-lô đã kinh nghiệm như thế và đã từ bỏ tất cả để tin nhận Chúa Giê-xu và ông coi đó là một lợi lộc mà không gì trong đời có thể đổi lấy được.

Phao-lô viết tiếp: “Ta cảm tạ Đức Chúa Trời mà ta hầu việc bằng lương tâm thanh sạch như tổ tiên ta đã làm, cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ con không thôi trong khi cầu nguyện.” Câu này có thể hiểu là Phao-lô mỗi khi cầu nguyện cho Ti-mô-thê thì cảm tạ Đức Chúa Trời về người bạn trẻ cùng làm việc trong công trường nhà Chúa. Tuy nhiên ông nói đến việc phục vụ Chúa bằng lương tâm thanh sạch, có nghĩa là ông rất mực chân thành và trung kiên trong việc giữ đạo Chúa theo truyền thống đức tin, không thay đổi. Điều này Phao-lô đã nói nhiều lần và không bao giờ ông phủ nhận niềm tin nơi Chúa của tổ phụ. Chúng ta có một truyền thống tin Chúa do các bậc tiên bối để lại, chúng ta phải noi gương họ để trung kiên phục vụ như thế mới là biết ơn và tiếp nối đức tin.

Phao-lô luôn nhớ đến Ti-mô-thê để cầu nguyện cho. Mỗi chúng ta cần nhớ đến người khác, nhất là những người đang phục vụ Chúa để hỗ trợ họ trong lời cầu nguyện. Đây là phương cách bảo vệ và củng cố tinh thần của người phục vụ Chúa hiệu quả nhất.

Theo nhà giải kinh William Barclay thì tại đây Phao-lô nhắc Ti-mô-thê mấy điểm:

1. Phao-lô trước tiên nhắc Ti-mô-thê về sự tín cẩn của ông đối với Ti-mô-thê. Đây là điều chắc chắn làm cho Ti-mô-thê rất cảm kích. Không có gì quý hơn là được người tin cẩn ta, nhất là người ấy là bậc cao trọng như sứ đồ Phao-lô. Sợ nhất là khi nào người ta mất tin tưởng nơi mình. Vì vậy mà ta phải noi gương Ti-mô-thê, lúc nào cũng sống cho người ta có thể tin được mình.

2. Thứ hai, Phao-lô nhắc Ti-mô-thê về truyền thống đức tin trong gia đình của chàng. Ti-mô-thê được bà ngoại và sau đó là mẹ dạy cho biết về Chúa và đặt niềm tin nơi Ngài từ khi còn thơ ấu. Ti-mô-thê chắc chắn phải giữ niềm tin để không phụ lòng các bậc tiên bối của mình. Đây cũng là cách kính mến ông bà cha mẹ mà người tin Chúa phải làm: Giữ đạo như được dạy bảo và duy trì mãi truyền thống tốt đẹp này. Diễm phúc cho ai có cha mẹ là người tin Chúa.

3. Trong câu 6, Phao-lô lại nhắc cho Ti-mô-thê nhớ về chức vụ ông đã nhận lãnh và thực hành với ân tứ được ủy thác cho. Ông viết: “ Vậy nên ta khuyên con hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho, mà con đã nhận lãnh bởi sự đặt tay của ta”. Nghĩa là người phục vụ Chúa đã có truyền thống và chức vụ, cần phải cẩn trọng, không làm phụ lòng những người khác.

4. Phao-lô nhắc Ti-mô-thê về phẩm tính của một người lãnh đạo. Căn cứ trong câu 7 “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ”. gồm ba điểm:

a. Can đảm. Can đảm làm cho người phục vụ Chúa vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Chúa ban cho ta khả năng, nhưng can đảm là do ta tập tành và thực hành với năng lực Chúa ban cho.

b. Thương yêu. Người chăn bầy phải thương yêu bầy chiên. Người phục vụ Chúa là người chỉ huy biết quý mến anh em chị em và tôn trọng họ để có thể hi sinh vì họ.

c. Giè giữ là kỷ luật bản thân. Đây là tính kiềm chế được mình trước tình huống căng thẳng khó khăn hay cám dỗ. Người tin Chúa cần cầu xin Chúa cho có đức tính này, nếu không, rất dễ sa ngã, phạm tội và bỏ Chúa.

Tóm lại, trong mấy câu mở đầu của lá thư thứ hai Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê, ta học được các điểm sau:

1. Ta cần nắm vững tin mừng cứu chuộc của Chúa Giê-xu là cho ta quyền được hưởng sự sống vĩnh hằng nhờ lòng tin đặt nơi Chúa Giê-xu

2. Ta có một truyền thống đức tin quý giá, nên phải trung kiên và bảo vệ đến cùng.

3. Ta phải sống can đảm, đầy tình thương yêu và kỉ luật cao độ, như thế mới xứng đáng là người phục vụ Chúa.