Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 19

Những Lời Khích Lệ

2 Ti-mô-thê 1:6-10

“6 Vậy nên ta khuyên con hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho, mà con đã nhận lãnh bởi sự đặt tay của ta.

7 Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ.

8 Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng lấy sự ta vì Ngài ở tù làm xấu hổ; nhưng hãy cậy quyền phép Đức Chúa Trời mà chịu khổ với Tin Lành.

9 Aáy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng,

10 mà bây giờ mới bày ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng Tin Lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng.”

Chữ quan trọng trong câu sáu là “nhen lại”. Nghĩa là gây cho cháy lại, như bếp tro đã lạnh, cần châm vào lửa mới cho cháy lên. Ti-mô-thê đã nhận được ân tứ từ Chúa ban cho, chắc chắn ông không thể để tình trạng tro lạnh, vì đang phục vụ Chúa, tuy nhiên, lời khuyên của Phao-lô ở đây là cần khơi cho cháy to hơn, rạng rỡ hơn. Mỗi người phục vụ Chúa nhiều năm đều biết rõ nguy cơ của việc làm quá quen thuộc là không còn hứng cảm nữa mà chỉ theo bổn phận thi hành. Mỗi ngày hay hàng tuần ta cần đến với Chúa để nhen lại những hưng khởi của kêu gọi ban đầu và nhận lấy ân tứ Chúa mới mẻ. Chúa thường trao gánh nặng cho ta với ân tứ tương xứng để ta có thể thực hiện gánh vác.

Tâm thần nhút nhát là tính e dè, rụt rè, thẹn thuồng. Nếu người thanh niên nào có tính này, chắc chắn sẽ không làm được nên công việc gì. Người tin Chúa và phục vụ Ngài cũng vậy, nhút nhát có nghĩa là không chắc chắn lắm về việc mình tin và e dè sợ phát biểu của mình sẽ làm cho ngươì ta nổi giận hay làm khó dễ. đó là chưa nói đến nhiệm vụ phổ biến tin mừng cho những người mình tiếp xúc. Tâm thần này là do chính chính ta tập tành và sở hữu. Chúa không bao giờ cho hay khuyến khích ta có tinh thần nhút nhát ươn hèn, nhưng mạnh mẽ hay mạnh dạn, can đảm, đầy tình thương và sự cẩn trọng.

Mạnh mẽ đây là thẳng thắn, trung trực, không sợ trở ngại và dư luận của người chống đối. Mạnh mẽ nhưng đầy tình thương, nghĩa là thái độ hòa dịu với tình thương chứ không cố chấp và làm hại. Dè giữ có thể hiểu là cẩn trọng trong lời nói, việc làm và thái độ. đây là kỉ luật bản thân.

Câu 8 ghi: Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng lấy sự ta vì Ngài ở tù làm xấu hổ; nhưng hãy cậy quyền phép Đức Chúa Trời mà chịu khổ với Tin Lành.

Có ba điều Phao-lô khuyên Ti-mô-thê ở đây: thứ nhất là làm chứng cho Chúa không hổ thẹn, khi đã trang bị can đảm, thương yêu và gièø giữ thì còn một tính e thẹn cần phải thắng. Chúa không hổ thẹn gọi ta, kẻ tội nhân đáng chết làm con, thì ta cũng không hổ thẹn rao báo cho mọi người Ngài là Cứu Chúa và ban đời sống vĩnh cửu cho ai tin nhận Ngài.

Thứ hai: đừng coi việc sứ đồ Phao-lô, vị thầy của Ti-mô-thê bị tù là việc xấu hổ. Phao-lô bị tù vì làm chứng cho Chúa. Phao-lô muốn Ti-mô-thê coi việc đó là một vinh dự chứ không có gì phải xấu hổ. Chúa không xấu hổ vì ta, ta cũng không xấu hổ khi bị tù vì Chúa.

Thứ ba: Hãy chịu khổ vì tin mừng nhờ quyền năng của Chúa. Chịu khổ đây là bị tù, đánh đập, làm nhục v.v. Không chịu khổ vì làm những việc gian ác, nhưng chịu khổ vì tin mừng, vì phúc âm. Người rao truyền tin mừng cần ghi nhớ điểm này, vì đóù chính là mục đích của đời ta.

Câu 9 và câu 10 được coi là lời của một bài Thánh Ca: “9 Aáy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng, 10 mà bây giờ mới bày ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng Tin Lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng.”

Trong các câu này ta thấy quan hệ giữa ta và Chúa: Chúa đã cứu chúng ta và gọi chúng ta. Cứu và gọi là hành động chỉ có Chúa là chân Thần thực hiện đối với chúng ta. Trên đời và trong cõi tâm linh không ai làm như thế cho chúng ta cả. Đây cũng là dấu hiệu của chân thần, Đức Chúa Trời có thật và hiện hữu. cứu là cứu ra khỏi tội ác và gọi là gọi vào sự sống vĩnh hằng. Không có thần tượng nào hay thần linh nào loài người tôn thờ đã hành động như vậy. Chúa kêu gọi chúng ta bằng lời kêu gọi thánh. Kêu gọi thánh do từ đấng Thánh, vì vậy người được kêu gọi phải sống thánh khiết như Chúa vậy, không sa vào tội lỗi và không phạm tội.

Phao-lô sau đó đã giải thích rõ phẩm tính của việc kêu gọi của Chúa:

Trước tiên không do hành vi đạo đức hay nếp sống thiện lành của ta, nhưng do mục đích và ân điển của Ngài. Chúa có mục đích dành cho mỗi người Ngài kêu gọi và do tình thương vô điều kiện mà Ngài kêu gọi chứ không phải vì chúng ta xứng đáng được kêu gọi.

Chúa kêu gọi chúng ta từ khi nào? Câu trả lời là “Từ trước muôn đời vô cùng” Chúa đã có mục đích và ân điển dự định để ban cho mỗi chúng ta từ trước vô cùng. Vì thế khi đáp ứng tiếng gọi của Chúa, là chúng ta lấy ý chí tiếp nhận điều Chúa đã cho mình và chờ đợi sự tiếp nhận. Chúa vẫn kêu gọi và đang chờ đợi những ai chưa chịu đáp ứng. Có thể là chính bạn hôm nay.

Huyền nhiệm về ân sủng và tình thương của Chúa được minh khải khi Chúa Giê-xu xuống đời làm một người. Chúa Giê-xu làm hai việc quan trọng khi vào nhân loại, thứ nhất là hủy diệt sự chết, công việc này đang còn tiến hành cho đến khi trọn vẹn. Chính vì vậy mà người tin Chúa không còn sợ sự chết nữa, chỉ coi là một chuyển đoạn để vào sự sống vĩnh hằng mà thôi. Nhưng Chúa không phải chỉ là Đấng sẽ hủy diệt sự chết và quyền lực của Sa-tan, Ngài còn là Đấng bày tỏ cho loài người biết con đường tìm về nguồn sống và sự sống vĩnh hằng nữa. Ngài làm công việc ấy qua cái gọi là tin lành hay tin mừng. Tin Lành hay tin mừng đây không phải là tên gọi một tôn giáo, nhưng là ý nghĩa của việc ra đời, chịu khổ, hi sinh chuộc tội, sống lại và sẽ tái lâm của Chúa Giê-xu. Cuộc đời của Chúa Giê-xu cho loài người biết về sự chết, nguồn sống và sống vĩnh hằng trong ý nghĩa đích thực.

Tóm lại, bài học trong các câu này là:

1. Dù ta tin Chúa bao lâu, đang làm việc gì trong nhà Chúa, cũng phải cảnh giác và tìm về sự sống đầy hứng cảm và sống động trong Chúa, nếu không ta sẽ là tín đồ hữu danh vô thực.

2. Tin Chúa không thể sống trong kín giấu, thụ động, mà phải mạnh dạn bầy tỏ tình thương của Chúa cho mọi người với lòng thương yêu và cẩn trọng.

3. Người tin Chúa không e thẹn trong công tác làm nhân chứng cho Chúa, cũng không xấu hổ vì anh em chị em khác bị sức mạnh vô đạo đàn áp, nhưng càng ngày càng nhờ quyền năng Chúa mà khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng chịu khổ vì đem tin mừng của Chúa cho dân tộc.

4. Chúng ta nên nhớ rằng, Chúa đã cứu và kêu gọi chúng ta vì Ngài thương yêu và có mục đích cho mỗi cuộc đời chúng ta, vì thế chúng ta không thể bội ơn Chúa mà trở về nếp sống vô đạo.